PHẦN II: HỌC THUYẾT
CHƯƠNG I: ĐẠO VÀ ĐỨC
Đạo Đức kinh gồm 81 chương, nhưng chỉ có khoảng 50 chương độ 3.000
chữ là quan trọng, còn những chương kia hoặc lặp lại, hoặc diễn thêm ý
trong các chương trước, không có gì đặc sắc. Các chương lại sắp đặt rất lộn
xộn, vậy mà học thuyết của Lão tử được coi làm một triết thuyết hoàn chỉnh
nhất, có hệ thống nhất thời Tiên Tần. Hoàn chỉnh nhất vì chỉ Lão tử mới
trình bày rõ ràng một vũ trụ quan làm cơ sở cho một nhân sinh quan và một
chính trị quan mới mẻ, ba phần đó quan trọng ngang nhau; có hệ thống nhất
vì phần nhân sinh quan và chính trị quan chỉ là tự nhiên qui kết của phần vũ
trụ quan; tư tưởng gắn bó với nhau một cách mật thiết tới nỗi trong một
chương dù rất ngắn, câu trên hay đoạn trên nói về vũ trụ quan thì câu dưới
hay đoạn dưới nói ngay về nhân sinh quan hay chính trị quan; mà rất nhiều
chương nói về nhân sinh cũng tức cũng là nói về chính trị, hay ngược lai,
không thể tách được đâu là chính trị, đâu là nhân sinh, đâu là đạo của nhà
cầm quyền, đâu là đạo của dân, cả hai đều phải thuận tự nhiên, đều là những
áp dụng của phần vũ trụ quan cả.
Trong phần Học thuyết này, chúng tôi bất đắc dĩ phải tách vũ trụ quan, nhân
sinh quan và chính trị quan của Lão ra chỉ để cho dễ trình bày thôi.
Lão tử là người đầu tiên luận về vũ trụ
Các triết gia Hy Lạp thời thượng cổ, ngang với thời Xuân Thu ở Trung
Quốc, thường bàn đến vấn đề bản nguyên của vũ trụ, vũ trụ sinh thành ra
sao, bản chất là gì…, như Thalèse (640-480) cho nước là bản chất của vạn