vừa ở chỗ này vừa ở chỗ khác; mà đạo thì không có hình tượng (ch.14), “lan
tràn khắp nơi, có thể qua bên trái, qua bên phải” (ch.34), “không có gì giống
nó cả” (ch.67); như vậy làm sao tìm được một tên thích hợp với nó được.
Đọc Đạo Đức kinh chúng ta thấy ông dùng non bảy chục lần tiếng đạo, gần
như chương nào cũng nói về đạo, nhưng các chương sắp đặt không có thứ tự
gì cả, cơ hồ như ông suy tư tới đâu, phát kiến được gì thì ghi lại, mỗi bước
tiến lại gần đạo một chút, có khi lập lại những ý trước, có lúc lại như lùi ra
xa, có lúc lại nói lửng, thành thử chúng ta rất khó có một ý niệm rõ rệt về
đạo. Một phần có thể là do người sau không biết sắp đặt; một phần cũng có
thể là chính ông không thể – hay không muốn – trình bày cho rõ ràng hơn.
Dưới đây chúng tôi rán tổng hợp một số chương quan trọng về:
- bản thể
- diệu dụng
của đạo theo sự lĩnh hội rất có thể thiên lệch của chúng tôi.
Bản thể của đạo
Ở trên chúng tôi đã nói Lão tử (ch.25, 52) cho đạo là “mẹ của vạn vật”, vậy
nó là khởi thuỷ của vũ trụ. Nhưng chương 4 ông lại bảo: “ta không biết nó là
con ai”, nghĩa là ông ngờ rằng trước nó, còn có cái gì nữa mà ông không
quan niệm nổi cái gì đó ra sao.
- Còn đạo có “chung” không thì ông khẳng định là không có. Hễ nói tới đạo,
ông nhiều lần dùng chữ “thường” (thường đạo) nghĩa là vĩnh cửu bất biến:
ch.1 – đạo khả đạo phi thường đạo; ch.32 – đạo thường vô danh; ch.37 – đạo
thường vô vi nhi vô bất vi; v.v… Lại thêm, ch.14 ông bảo: “theo nó (đạo) thì
không thấy đuôi” (tuỳ chi, bất kiến kì hậu). Một lẽ nữa là ông bảo vạn vật từ