cơ hồ không có gì giống nó cả (ch.67 đã dẫn), nhưng ông không thể tả nó
được vì nhìn nó không thấy, nghe nó không thấy, nắm nó không được.
Chương 14 ông viết:
“Nhìn không thấy gọi là di, nghe không thấy gọi là hi, nắm không được gọi
là vi. Ba cái đó (di, hi, vi, tức vô sắc, vô thanh, vô hình) truy cứu đến cùng
cũng không biết gì được, chỉ thấy trộn lộn làm một thôi.
Ở trên không sáng, ở dưới không tối, thâm viễn bất tuyệt, không thể gọi tên,
nó lại trở về cõi vô vật, cho nên bảo là cái trạng không có hình trạng, cái
tượng không có vật thể. Nó thấp thoáng, mập mờ. Đón nó thì không thấy
đầu, theo nó thì không thấy đuôi”.
Chương 21 ô viết thêm:
“Đạo là cái gì chỉ mập mờ, thấp thoáng; thấp thoáng mập mờ mà bên trong
có hình tượng; mập mờ, thấp thoáng mà bên trong có vật; nó thâm viễn, tối
tăm mà bên trong có cái tinh túy; tinh túy đó rất xác thực, và rất đáng tin”.
Hai chương đó với câu đầu chương 25: “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên hạ
sinh” (có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất) rất quan trọng, chúng
ta cần phân tích để tìm hiểu cái “thể” của đạo.
Hai lần Lão tử gọi đạo, bản nguyên của vũ trụ, là “vật”: đạo chi vi vật
(ch.21), hữu vật hỗn thành (ch.25). Chữ “vật” đó chúng ta không nên hiểu là
một vật như cái bàn là một vật, bông hoa là một vật… mà chỉ nên hiểu là
một “cái gì đó”. Cái gì đó (đạo) mênh mông “thâm viễn” (chữ này cũng
được dùng hai lần), tối tăm (ch.21), hoặc không sáng, không tối, thấp thoáng,
mập mờ (ch.14).
“Nó hỗn độn mà thành”. Chữ “hỗn” cũng được dùng hai lần (ch.14 và 25) có
thể hiểu là hỗn tạp, trộn lộn nữa.