Nhưng cái đạo đó vô sắc (di), vô thanh (hi), vô hình (vi) cho nên không thể
thấy được. Nó là “vật” thì nó là “hữu” (có) rồi. Nhưng nó vô sắc, vô thanh,
vô hình, thì nó cơ hồ là “vô” (không). Sự thực nó không hẳn như vậy. Thật
khó giảng. Hai lần Lão tử bảo nó “hốt hoảng”, nghĩa là thấp thoáng mập mờ.
Lần trước (ch.14) ông cho nó là cái trạng không có hình trạng, cái tượng
không có vật thể (vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng). Lần sau (ch.21) ông
bảo ở trong nó có hình tượng, có vật (kì trung hữu tượng, kì trung hữu vật);
hơn nữa ông tin chắc rằng ở trong nó có cái “tinh” (kì trung hữu tinh, kì tinh
thậm chân). Chữ tinh {精} đó có người giảng là khí, nhưng cũng có thể hiểu
là nguyên lí hay nguyên chất, nguyên tố của vạn vật. Có lẽ nhờ cái “tinh” đó
mà đạo sinh ra vạn vật. Vậy đạo tựa như có, lại tựa như không. Bảo là không
thì không được vì nó là “vật hỗn độn mà thành”, nó lại có “tinh”; mà bảo là
có thì sắc, thanh, hình của nó ra sao, không biết. Chỉ bảo nó “hoảng hốt”,
mập mờ, thấp thoáng thôi. Mập mờ thấp thoáng tức tựa như có lại tựa như
không, ở giữa khoảng có và không. Nó thật huyền bí.
Chương 1, Lão tử bảo:
“Không” là gọi cái bản thủy của trời đất;
“Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật.
cũng là diễn cái ý tựa như có, tựa như không, vừa không vừa có. Không và
có (vô và hữu) ở câu đó trỏ “cách thức” (mode) của đạo. Xét cái cách thức vi
diệu của đạo thì coi nó là “không”; mà cái cách thức sinh hoá tới cùng mà nó
– nhờ cái tinh hoa của nó, như trên đã nói – thì coi nó là “có”.
Những đoạn Lão tử rán tả cái đạo đó, khiến chúng tôi liên tưởng tới định
nghĩa danh từ nébuleuse của người Âu: một khối mênh mông trong vũ trụ,
mờ mờ, hình rất khác nhau, như mây như khói, gồm nhiều chất, khí.
Tới đây, chúng ta có thể bảo rằng theo Lão tử, đạo là bản nguyên của vũ trụ,