vắn tắt rằng “vô vi” không phải là không làm gì cả, mà có nghĩa là cứ thuận
theo tự nhiên mà làm.
Chương 37 rất quan trọng, ngắn mà tóm được hết ba ý trong tiết này và tiết
trên cho ta thấy phác, tự nhiên và vô vi liên quan mật thiết với nhau:
“Đạo vĩnh cửu thì không làm gì (vô vi – vì là tự nhiên) mà không gì không
làm (vô bất vi – vì vạn vật nhờ nó mà sinh, mà lớn); bậc vua chúa giữ được
đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa (sinh, lớn); bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn
vật sẽ tự biến hoá. Trong quá trình biến hóa, tư dục của chúng phát ra thì ta
dùng cái mộc mạc vô danh (tính cách, bản chất của đạo) mà trấn áp hiện
tượng đó, khiến cho vạn vật không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà
trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định”.
Không can thiệp vào đời sống vạn vật còn có nghĩa là để cho vạn vật tự do
phát triển. Vậy Lão tử có thể là người đầu tiên chủ trương chính sách tự do,
một thứ tự do cho nhân quần, xã hội, khác sự tự do cho cá nhân, cho bản
thân, của một nghệ sĩ phóng đãng như Trang tử trong thiên Tiêu dao du.
C) LUẬT PHẢN PHỤC
Tính cách và qui luật thứ ba của đạo, quan trọng nhất, là phản phục, tức là
quay trở về.
Chương 5, Lão tử viết:
“Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản”.
([Đạo] lớn (vô cùng) thì lưu hành (không ngừng), lưu hành (không ngừng)
thì đi xa, đi xa thì trở về).
Chương 40 nói rõ hơn:
“Phản giả, đạo chi động”.