nhận công của nó: “vạn vật thị chi sinh nhi bất từ
, công thành nhi bất
hữu” – ch.34.
Đạo sở dĩ không can thiệp vào đời sống của vạn vật vì nó không có nhân
cách, không có ý chí, không chủ quan. Ý đó không phải riêng của Lão tử.
Khổng tử cũng đã nói rồi: “Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên, thiên hà
ngôn tai!”
(Dương Hoá – 19).
Bốn mùa cứ thay đổi nhau mà vận hành, vạn vật cứ theo bản năng mà tự
thích nghi với hoàn cảnh: cá cứ tự mọc ra vây, chim tự mọc ra cánh, con
nòng nọc khi lên ở trên cạn thì tự đứt đuôi mà mang biến thành phổi; con
tầm tự làm kén để sau đục kén ra mà biến thành con bướm; và loài vật nào
cũng đói thì tìm ăn, no rồi thì thôi, lúc nào mệt thì nghỉ…
Điều đó ai cũng thấy. Đạo vô tri vô giác, cố nhiên là không can thiệp vào đời
sống vạn vật rồi, nhưng loài người hữu tri hữu giác lại can thiệp vào, mà can
thiệp vào thì thường rất tai hại: chẳng hạn con nòng nọc còn nhỏ mà chặt
đuôi nó đi thì nó sẽ chết; con tầm mới làm xong cái kén, tự nhốt mình trong
đó mà ta đục kén giải thoát cho nó thì nó sẽ chết mà không thành bướm; nhất
là loài người rất thường can thiệp vào đời sống của nhau, gây ra loạn lạc,
chiến tranh; Lão tử thấy rõ cái hại đó hơn ai hết (chương 29 ông bảo: “thiên
hạ là một đồ vật thần diệu không thể hữu vi” – tự ý thay đổi nó được), nên
mới nhấn mạnh vào qui luật tự nhiên, dùng một hình ảnh rất mới, để đập vào
đầu óc của ta, bảo:
“Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm” (ch.5), nghĩa là luật thiên nhiên
– tức đạo – không có tình thương của con người (bất nhân), không tư vị với
vật nào, cứ thản nhiên đối với vạn vật.
Không can thiệp vào đời sống vạn vật, tức vô vi. Vô vi cũng là một thuyết
chủ yếu của Lão tử, được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cuối chương này
và trong hai chương sau chúng ta sẽ xét kĩ thuyết đó. Ở đây chúng tôi xin nói