(Luật vận hành của đạo là quay trở về).
Vạn vật do đạo sinh ra và do đức (chúng tôi nhắc lại, đức là một phần của
đạo, từ đạo mà ra, có công nuôi lớn vạn vật) mà trưởng thành, tất nhiên phải
theo qui luật phản phục, cho nên chương 65 bảo:
“Huyền đức thâm hĩ, viễn hĩ, dữ vật phản hĩ, nhiên hậu nãi chí đại thuận”.
(Đức huyền diệu sâu thẳm, cùng với vạn vật trở về, rồi sau mới đạt được sự
thuận tự nhiên).
Trong mấy chương đó, chúng ta thấy Lão tử dùng chữ phản; chương 16, ông
dùng thêm chữ phục:
“Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục”.
(Xem vạn vật sinh trưởng, chúng ta thấy được qui luật phản phục).
Phản hay phục thì nghĩa cũng như nhau, đều là quay trở về cả.
Trong kinh Dịch, luật phản phục được tượng trưng bằng quẻ Phục. Quẻ này
gồm năm hào âm ở trên và một hào dương ở dưới. Khi khí âm đã phát đến
cực điểm (sáu hào cùng là âm cả, tức tháng 10 âl, tháng người Trung Hoa
cho là lạnh nhất) thì một hào dương xuất hiện ở dưới, nghĩa là khí dương bắt
đầu sinh trở lại. Do đó mà quẻ có tên là Phục (trở lại). Phục thuộc tháng 11
âm lịch, ngày đông chí (solstice d’hier).
Luật phản phục của đạo đó – tức luật tuần hoàn của vũ trụ – loài người đã
nhận thấy từ hồi sơ khai: mặt trời mọc, lên tới đỉnh đầu rồi xuống, lặn, hôm
sau lại như vậy; mặt trăng tới ngày rằm thì tròn, rồi khuyết lần tới cuối