biến (thường) của vạn vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt, không biết thì
vọng động mà gây hoạ” (ch.16).
Tóm lại, Lão tử chủ trương có luật “phản phục bất tuyệt”. Nhưng chúng ta
đừng nên hỏi rằng mỗi vật khi biến hoá đến tận cùng, trở về “vô”, về “đạo”,
hết một vòng rồi, tới vòng thứ nhì, đạo có tái tạo chính những vật như trong
vòng trước không, hay những vật khác đi một chút; mà nếu là chính những
vật như trong vòng trước, thì chính những vật đó, lần này có biến hoá cũng y
hệt như kiếp trước của chúng không, như Virgile đã nghĩ trong bài ca
Eglogue (bài ca thứ tư của mục đồng).
Thi hào của La Mã ở thế kỉ thứ I trước T.L. đó bảo một ngày kia toàn thể vũ
trụ biến đổi hết cách rồi, đi hết vòng thứ nhất rồi, sẽ cố ý hay ngẫu nhiên trở
lại y hệt một tình trạng rất xa xăm trong dĩ vãng, rồi do một định mệnh
không sao tránh được, sẽ diễn lại đúng từng tiểu tiết các biến cố xảy ra từ
thời trước:
“Rồi sẽ có một Tiphus (nhà tiên tri) khác và một chiếc tàu khác tên là Argo
sẽ chở các đấng anh hùng nổi danh khác (như Jason…), lại sẽ có những
chiến tranh khác, mà Achille vĩ đại (một vị anh hùng Hi Lạp, theo truyền
thuyết, mà Homère đã tả trong thiên anh hùng ca Iliade) sẽ được phái qua
đánh thành Troie nữa”
Lão tử không đặt ra vấn đề “lịch sử trùng diễn” đó mà dân tộc Trung Hoa có
nhiều lương tri cũng không tin rằng tới một ngày nào đó sẽ có một vua
Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, có một vua Trụ vương bị vua Võ
vương diệt, có một Chu công, và một Khổng tử cũng sinh ở nước Lỗ, cũng
day học, cũng chu du thiên hạ tìm một ông vua để thờ. Họ chỉ tin đại khái
như Mạnh tử rằng sau một thời trị là bao nhiêu lâu đó, lại đến một thời loạn
bao nhiêu lâu nữa, rồi trở lại một thời trị, cứ tuần hoàn như vậy.
Lão tử không phải là một thi sĩ như Virgile, một sử gia, cũng không phải là