Qui kết I: Sự luân phiên và sự tương đối của các luật tương phản
Phản có nghĩa là trở lại mà cũng có nghĩa là trái lại. Vũ trụ tiến tới cùng cực
một trạng thái nào đó thì quay trở lại, tức là chuyển qua một trạng thái trái
lại, ngược lại trạng thái trước: như mặt trời xế ngược lại với mặt trời lên,
trăng khuyết ngược lại với trăng tròn, thuỷ triều ròng ngược lại với thuỷ triều
dâng, đêm ngược lại với ngày…
Đó là sự luân phiên của những cái tương phản mà Phùng Hữu Lan (sách đã
dẫn – tr.230) so với thuyết chính (thèse), phản (antithèse), hợp (synthèse)
của Hegel. Phùng dẫn câu “đại trực nhược khuất, đại xảo nhược chuyết”
(cực thẳng thì dường như cong, cực khéo thì dường như vụng) trong chương
45 để chứng thực rằng Lão quả có chủ trương chính, phản thành hợp. Ông
bảo: “Nếu chỉ có thẳng không thôi thì tất biến thành cong, nếu chỉ có khéo
không thôi thì muốn cho khéo quá rốt cuộc hoá vụng” (lộng xảo thành
chuyết); nhờ trong cái thẳng có cái cong, trong cái khéo có cái vụng, cho nên
[Lão tử] mới bảo là cực thẳng (đại trực), cực khéo (đại xảo), như vậy là
chính, phản hợp nhau đấy. Cho nên cực thẳng không phải là cong, chỉ dường
như cong thôi; cực khéo không phải là vụng, chỉ dường như vụng thôi”.
Grenier trong cuốn L’esprit du Tao (Flammarion – 1957), trang 51 cho rằng
Phùng so sánh như vậy chỉ là xét bề ngoài thôi. Học thuyết của Lão tử ngược
hẳn với Hegel. Hegel tin có một sự tiến triển hoài lần lần tới tuyệt đối (trong
giai đoạn trước, chính, phản thành hợp; qua giai đoạn sau hợp đó thành
chính, rồi lại có phản, lại thành hợp nữa, cứ như vậy mà tiến lần lên); còn
Lão tử, ngược lại, chủ trương “qui căn”, trở về đạo. Vậy Hegel đề cao sự
tăng tiến, Lão đề cao sự giảm thoái. Thuyết của Hegel có tính cách “dịch
hoá” (dialectique), còn thuyết của Lão có tính cách thần bí (mystique).
Chúng tôi cho rằng Grenier có lí. Một số các triết gia đông, tây, có giống
nhau, thì thường cũng chỉ giống nhau bề ngoài thôi mà tinh thần vẫn có chỗ
khác.