ai cũng thấy, triết gia nào cũng nhắc tới; Lão tử sâu sắc hơn, còn nói đến sự
tương đối của tương phản.
Chương 2, ông viết:
“Có” và “không” sinh lẫn nhau; dễ và khó tạo nên lẫn nhau; ngắn và dài
làm rõ lẫn nhau; cao và thấp dựa vào nhau…; trước và sau theo nhau”.
“Có” và “không”, dễ và khó, ngắn và dài, cao và thấp, trước và sau là tuy bề
ngoài trái nhau, nhưng thực là sinh thành lẫn nhau, vì không có cái này thì
không có cái kia: “không” sinh ra “có” tức vạn vật, vạn vật biến hoá tới cực
điểm rồi lại trở về “không”; vả lại phải có rồi mới thấy không, ngược lại
cũng vậy; cũng như phải có một vật dài mới thấy một vật khác ngắn, một vật
cao rồi mới thấy một vật khác là thấp.
Cái đẹp cái xấu cũng vậy, cái thiện cái ác cũng vậy.
“Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu; ai
cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác”.
(ch.2).
Đẹp xấu, thiện ác đều là quan niệm của loài người cả; đạo không phân biệt
như vậy, chỉ vận động không ngừng thôi, hết giai đoạn này tiếp ngay giai
đoạn khác, mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ của nó là chuẩn bị cho giai đoạn
sau, cuối cùng là trở về đạo. Không có giai đoạn nào quan trọng hơn giai
đoạn nào: tuổi trẻ chuẩn bị cho tuổi già, mà mùa đông chuẩn bị cho mùa
xuân. Xét cho cùng thì vạn vật cũng vậy, không có quí tiện: không có vật
nào không có ích trong vũ trụ về phương diện này hay phương diện khác,
cho loài này hay loài khác; chẳng hạn khi dùng chất hoá học diệt hết loài
muỗi, loài sâu ở một cái hồ thì cá sẽ chết, hồ sẽ chết, diệt hết chim trong một
khu vực nào đó thì sâu sẽ sinh sôi nẩy nở mà mùa màng sẽ bị hại… Và ai
không biết rằng ong giúp cho hoa kết trái, hoa giúp cho ong có mật? Loài