nào cũng có công giữ sự quân bình, điều hoà trong vũ trụ.
Đối với đạo, vật nào cũng ngang nhau, không có quí tiện, không có hoạ phúc
vì “hoạ là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ nấp của hoạ” (hoạ hề phúc chi sở ỷ,
phúc hề hoạ chi sở phục – ch.58), “chính có thể biến thành tà, thiện có thể
thành ác” (chính phục vi kì, thiện phục vi yêu – ch.58). Tất cả chỉ là tuỳ thời
biến hoá, lúc này là quí, là phúc, là chính, là thiện thì lúc khác là tiện, là hoạ,
là tà, là ác. Tương đối hết.
Đó là một qui kết của luật phản phục, của luật tự nhiên. Và chúng ta có thể
bảo thuyết “tề vật” (mọi vật đều ngang nhau), Trang tử đã mượn của Lão tử,
chỉ triển khai một cách tài tình hơn thôi. Lão tử là triết gia đầu tiên chủ
trương tự do (coi tr.76-77 ở trên
) và bình đẳng chăng?
Những lời của ông chúng tôi dẫn tiết này và còn nhiều lời khác nữa (như:
nhu nhược thắng cương cường, tuyệt thánh khí trí…) có vẻ ngược đời. Chính
Lão tử cũng nhận vậy, nên chương 78, ông bảo: “Chính ngôn nhược phản”
(lời hợp đạo nghe như ngược đời). Ông biết rằng nhiều người cho thuyết của
ông là quái luận, chê cười ông:
“Kẻ hạ sĩ – tức kẻ tối tăm hiểu biết thấp nhất – nghe đạo thì cười rộ. Nếu
không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa.” (Hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi. Bất
tiếu, bất túc dĩ vi đạo – ch.41).
Qui kết II: Tổn hữu dư, bổ bất túc
Một qui kết nữa của luật phản phục là “tổn hữu dư, bổ bất túc”.
Vạn vật từ “không” mà sinh ra, mới đầu con nhỏ, yếu (như vậy là bất túc),
lần lần lớn lên, mạnh lên – tức là được bồi bổ; khi lớn, mạnh tới cực điểm rồi
(như vậy là hữu dư) thì trở ngược lại, nhỏ đi, yếu đi – tức là bị giảm, tổn đi;
giảm lần, suy lần tới khi trở về “không”, thế là xong một vòng. Cho nên Lão