Vô không có nghĩa là hoàn toàn không có gì, trái hẳn với hữu. Vô là vô sắc,
vô thanh, vô hình đối với cảm quan của ta, như đạo. Vô có tính cách huyền
diệu, huyền bí, nó sinh ra hữu, rồi hữu trở về vô, thành thử vô, hữu không
tương phản mà tương thành.
Để cho ta thấy cái công dụng kì diệu của vô, Lão tử dùng nhiều hình ảnh
mới mẻ, tài tình.
Chương 11 ông viết:
“Ba mươi tay hoa cùng qui vào một cái bầu, nhưng chính nhờ khoảng trống
không trong cái bầu mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén bát,
nhưng chính nhờ khoảng trống ở trong mà chén bát mới dùng được. Đục
cửa và cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng
được.Vậy ta tưởng cái “có” [bầu, chén bát, nhà] có lợi cho ta mà thực ra
cái “không” mới làm cho cái “có” hữu dụng”.
Chương 5 ông lại ví khoảng trống không giữa trời – tức không gian – như cái
bễ, “hư không mà không kiệt, càng chuyển động hơi lại càng ra”.
Thật là ngược đời. Vương An Thạch đời Tống đã phản đối ông, đại ý bảo:
“Công dụng của cái bánh xe tuy ở chỗ trống giữa ba mươi sáu cái rẻ quạt
châu lại, nhưng ở ngoài phải có vành tròn thì mới có chỗ trống ấy. Công
dụng của các đồ đạt tuy ở chỗ trống của nhiều thứ đó, nhưng phải có cái vỏ
chung quanh thì đồ đạc mới có chỗ trống. Công dụng của cái nhà tuy ở chỗ
trống trong nhà nhưng phải có tường, vách, nền, mái thì cái nhà mới có chỗ
trống. Như vậy thì những công dụng của các vật kia phải ở cái có, không ở
cái không”
.
Lão tử sống ở thời loạn, thấy người ta càng cứu loạn thì càng loạn thêm, cho
nên ông chủ trương đừng hữu vi, đừng làm trái thiên nhiên, tức phải vô vi,
do đó ông trọng “vô”; Vương An Thạch sống ở thời Trung Hoa suy nhược,