muốn cứu nguy cho quốc gia, phải giảm quyền lợi của quí tộc mà tăng quyền
cho triều đình, nên ông chủ trương cực hữu vi, can thiệp nhiều vào đời sống
của dân, đặc biệt là của giới quí tộc, địa chủ, thương nhân, do đó mà trọng
“hữu”. “Đạo khác nhau thì không cùng bàn với nhau được”. Vương phản đối
Lão là lẽ đương nhiên, nhưng ông đã bất công, không chịu hiểu sâu tư tưởng
của Lão: Lão trước sau vẫn nghĩ rằng “hữu vô tương thành”, phải có cả hai,
không có cái “không” thì cái “có” vô dụng, mà không có cái “có” thì cái
“không” cũng vô dụng như Vương nói. Giá như Vương kết luận rằng: “Như
vậy thì những công dụng của các vật kia đều ở cả cái có lẫn cái không” thì
chúng ta hoàn toàn đồng ý với ông.
Vì lấy “vô” làm gốc, Lão tử mới khuyên ta vô vi, vô ngôn, vô dục, vô sự
(ch.57); cũng chính lấy “vô” làm gốc nên ông mới chủ trương tuyệt học,
tuyệt thánh khí trí; cũng chính vì lấy “vô” làm gốc nên ông mới trọng sự hư
tĩnh, tinh thần bất tranh và ông mới “ngoại kì thân, hậu kì thân” (ch.7). Một
nửa nhân sinh quan, chính trị quan của ông xây dựng trên chữ “vô”.