tử nói:
“Đạo trời giống như buộc dây cung vào cung chăng? Dây cung ở cao quá
thì hạ nó xuống, ở thấp quá thì đưa nó lên; dài quá thì bỏ bớt đi, ngắn quá
thì thêm vào. Đạo trời bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu” (Thiên chi đạo tổn hữu dư
nhi bổ bất túc – ch.77).
Vậy thì trong vũ trụ tuy vật nào cũng ngang nhau, trạng thái nào cũng cần
thiết như nhau, nhưng Lão tử vẫn thích, mến cái nhỏ, cái yếu, cái vơi, cái ít,
cái tối tăm, cái khiêm… hơn vì những cái đó gần với đạo hơn, được đạo
“bù” cho.
Qui tắc này có vô số áp dụng trong đời mà chương sau chúng tôi sẽ xét. Ở
đây tôi chỉ dẫn thêm một câu nữa, tiếp vào đoạn trên (ch.77):
“Đạo người thì không vậy [thói thường ở đời thì không như đạo trời], bớt
chỗ thiếu mà cấp thêm cho chỗ dư. Ai là người có dư mà cung cấp cho
những người thiếu thốn trong thiên hạ? Chỉ có người đắc đạo mới làm được
như vậy.” (Thục năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ? Duy hữu đạo giả).
Thật là một lời nhân từ, đầy tình thương, một chủ trương công bằng xã hội
hiếm thấy trong triết học Trung Hoa thời Chiến Quốc. “Thục năng hữu dư dĩ
phụng thiên hạ?”. Tôi thích câu đó hơn những câu: “dân vi quí, xã tắc thứ
chi, quân vi khinh”
hoặc “Dân chi sở hiếu, hiếu chi, dân sở ố, ố chi”
,
vì nó là một lời than thở phát từ đáy lòng.
D) VÔ – TRIẾT LÍ VÔ
Vạn vật khi đã phát triển đến cực điểm thì bị “tổn” lần lần cho tới khi trở về
“vô”. Vậy “vô” là chung cục trong một giai đoạn mà cũng là khởi điểm giai
đoạn sau. Hơn nữa nó còn là “bản thuỷ của trời đất” (ch.1), như chương trên
đã nói. Vì vậy Lão tử rất quí “vô”; có thể nói học thuyết của ông là học
thuyết “vô”, ngược hẳn với học thuyết của các nhà khác.