cũng như vậy cả.
Tục lệ, lễ nghi, luân thường tới đầu đời Chu, cũng được Chu Công Đán qui
định thành một hệ thống mà đời sau gọi là đạo Nho – Chu Công được tôn là
ông tổ đạo đó – và tới thế kỉ thứ VI tr.T.L, Khổng tử ghi chép lại, phát huy
thêm, do đó đạo Nho cũng gọi là đạo Khổng, mà Khổng tử thành một ông tổ
nữa của đạo Nho, danh còn hơn Chu Công, cho nên Hàn Phi tử, trong thiên
Hiếu học bảo: “Đạt tới mức cao nhất của Nho là Khổng Khâu” (Nho chi sở
chí, Khổng Khâu dã). Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín (ngũ thường – chữ thường này
cũng có nghĩa là vĩnh cửu, bất biến như chữ thường trong Đạo Đức kinh)
thành những đức căn bản trong phép cư xử giữa vua tôi, cha con, chồng vợ,
anh em, bè bạn (ngũ luân); các đức trung, hiếu, tiết, nghĩa và cần, kiệm,
liêm, chính được đề cao; suốt hai nghìn rưỡi năm sau, cho tới thế kỉ của
chúng ta, nền luân lí Khổng Mạnh đó, thời nào cũng được tôn trọng.
Thời Chiến Quốc, do nông nghiệp tiến bộ, một giai cấp mới xuất hiện, giai
cấp tân địa chủ – một phần là các quí tộc sa sút, một phần là bình dân có tài
trí – muốn thống nhất Trung Hoa cho hết chia rẽ, loạn lạc để dễ phát triển
kinh tế; họ tranh đấu với giai cấp quí tộc, giành một phần quyền cai trị cho
mình, đặt ra luật pháp, tổ chức lại hành chánh và kinh tế (coi bộ Hàn phi tử
chúng tôi soạn chung với Giản Chi); nhưng dù họ là Mặc gia hay Pháp gia
(Danh gia ít bàn đến chính trị), có canh tân hay cách mạng gì thì cũng vẫn
tôn quân quyền, phụ quyền, nam quyền, và vẫn coi trọng những nét chính
của đạo Khổng, của nếp sống theo Khổng, mà họ cho là không cần phải bàn
lại nữa. Họ ngoài miệng chê bai đạo Khổng làm mất nước (Mặc tử), cho Nho
gia là một trong năm loại mọt (ngũ đố) của xã hội (Pháp gia), nhưng thực ra
họ chỉ muốn sửa lại đạo Nho cho hợp thời, cho thực tiễn hơn (Pháp cho Nho
lí tưởng quá) về phương diện chính trị để thống nhất quốc gia thôi; và khi
Trung Hoa thống nhất rồi, nhà Tần đóng xong vai trò rồi, thì đạo Nho lại
được tôn sùng sau một thời bị chìm trong mấy chục năm dưới đời Tần Thuỷ
Hoàng.