người ta làm như mình, thì đâu còn là đạo đức nữa, mà là sa đoạ, dùng trí
xảo, trọng sự loè loẹt, đầu mối của hỗn loạn rồi.
Vậy phải “tuyệt thánh, khí trí”, “bất thượng hiền”, mà giữ sự chất phác.
Chương 19, Lão tử viết:
“Dứt thánh, bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt
[trí] xảo, bỏ lợi, không có trộm giặc”.
Chương 3:
“Không trọng người hiền để dân không tranh”.
Khổng, Mặc đều coi Nghiêu, Thuấn là thánh nhân, coi thời Nghiêu, Thuấn là
hoàng kim thời đại. Ngay Pháp gia như Hàn Phi cũng có lúc trọng Nghiêu,
Thuấn; Trang tử cũng nhắc đến Nghiêu, Thuấn. Không có chính trị gia nào
thời Chiến Quốc không tin huyền thoại Nghiêu, Thuấn; duy có Lão tử là
tuyệt nhiên không nói đến Nghiêu, Thuấn hay bất kì ông thánh nào khác của
đạo Nho, như Hoàng Đế, Phục Hi, Chu Công… Ông coi họ là không những
không có công mà còn có tội với dân tộc Trung Hoa, nhưng không mạt sát
họ, không có họ thì “dân lợi gấp trăm”. Cơ hồ thái độ của ông là không cần
nhắc tới họ. Đó là điểm đặc biệt của ông và của Đạo Đức kinh.
Dứt thánh rồi bỏ trí nữa.
Khổng tử coi trí là một trong năm đức quan trọng nhất, ngang với nhân,
nghĩa, lễ; vì không có trí, nghĩa là không biết rộng hiểu nhiều, không sáng
suốt thì khó đạt tới mức cao của nhân, nghĩa, lễ được, không biết nhân với
từng hạng người – thân hay sơ, thiện hay ác – ra sao, không biết hành động
thế nào mới hợp nghĩa, không biết giữ lễ cách nào, tóm lại không biết trung
dung, tuỳ thời, tuỳ hoàn cảnh. Cho nên ông rất trọng sự học và ông có lí.
Ông rất hiếu học, suốt đời tận tâm dạy người. Ông tự xét mình là “học nhi