“Thời xưa, người khéo dùng đạo trị nước thì không làm cho dân khôn lanh
cơ xảo, mà làm cho dân đôn hậu, chất phác. Dân sở dĩ khó trị là vì nhiều trí
mưu” (Dân chi nan trị, dĩ kì trí dã – ch.65).
“Trí xảo xuất hiện rồi mới có trá nguỵ” (Trí tuệ xuất, hữu đại nguỵ – ch.18).
Trong Trang tử có kể truyện một ông lão làm vườn chịu múc từng thùng
nước giếng đi tưới rau chứ không chịu dùng một cái máy để lấy nước vừa
nhẹ nhàng vừa mau (máy ấy đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, có lẽ như cái
cần vọt của ta), vì lẽ: “Máy tức là cơ giới, kẻ có cơ giới tất có cơ sự, kẻ có cơ
sự tất có cơ tâm”, mà cơ tâm là điều làm ông ta xấu hổ. “Cơ xảo”, khôn lanh
tức là có lòng máy móc, tức là có “cơ tâm”. Ông lão làm vườn đó theo đúng
đạo Lão
Hễ có “cơ tâm” thì sinh ra nhiều lo lắng về nỗi đắc thất, thua kém người, truy
nguyên đều do học (theo cách của Khổng). Muốn cho khỏi lo, chỉ có cách là
dứt học:
“Tuyệt học vô ưu” (ch.20).
Và rốt cuộc Lão tử bảo chỉ có một cách học là:
“Học bất học” (ch.64).
Nghĩa là học sao cho được vô tri vô thức; nói cách khác là lấy sự “không
học” làm “học”, như vậy mới giúp được mọi người trở về với đạo, giúp vạn
vật phát triển theo tự nhiên (phục chúng nhân chi sở quá, phụ vạn vật chi tự
nhiên – ch.64).
Cách học đó trái hẳn cách học của Khổng tử, không dùng sách vở, cũng
không “cách vật” (nghiên cứu từng sự vật một – Đại học), như vậy là phân
biệt phiền toái, chi li chỉ thêm mê hoặc mà giữ tâm hồn hư tĩnh, dùng trực
giác để hiểu đạo – tổng nguyên lí của vạn vật – hiểu mình, một phần của