bất yếm, hối nhân bất quyện” (học mà không chán, dạy người mà không mỏi
– Thuật nhi – bài 2).
Thiên Dương Hoá bài 8, ông bảo: “Muốn nhân mà không muốn học thì bị
cái che mờ là ngu; muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cao kì
thái quá; muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa; muốn
trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh; muốn cương mà
không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo, khinh suất”.
Lão tử phản đối thứ trí đó của Khổng, vì căn bản của nó dựng trên sự phân
biệt sai lầm của Khổng về thị phi, thiện ác, trên những giá trị giả tạo như ông
đã vạch ra trong chương 2 (đã dẫn trên).
Vả lại “tri thức tự bản thân của nó là đối tượng của lòng dục rồi” (Phùng
Hữu Lan – tr.235) mà như đoạn dưới chúng tôi sẽ trình bày, ông chủ trương
“quả dục” (giảm dục vọng cho tới mức gần như “vô dục”). Càng biết nhiều
người ta lại càng ham muốn nhiều; hơn nữa càng biết nhiều người ta lại có
nhiều khả năng thoả mãn dục vọng: chẳng hạn chúng ta vì biết được nhiều
tiện nghi của khoa học (đèn điện, xe hơi, máy thu thanh, thâu hình, máy
lạnh…) nên muốn có đủ các tiện nghi đó; sự hiểu biết của loài người về khoa
học càng tăng thì loài người càng nghiên cứu, phát minh thêm những máy
móc mỗi ngày một tân kì. Như vậy hoài, không biết thế nào là đủ, mà cũng
không thể ngừng được.
“Vi học nhật ích” (ch.48) là nghĩa vậy: Theo học như Khổng, Mặc thì mỗi
ngày [dục vọng và tinh thần hữu vi] một tăng. Còn theo đạo thì mỗi ngày
[dục vọng và tinh thần hữu vi] một giảm: “Vi học nhật tổn”.
Càng nhiều ham muốn – ham danh, ham lợi, ham quyền – thì con người
càng hoá ra trí xảo, có tinh thần ganh đua, hiếu thắng, dân hoá ra khó trị, trá
nguỵ: