mẫu).
Rồi chương 25, chương 52: “mẹ của vạn vật trong thiên hạ” (thiên hạ mẫu).
Chương 20: “mẹ nuôi muôn loài” (từ mẫu).
Chương 6 ông dùng “thần hang” để tượng trưng cho đạo: thể của đạo hư vô,
nên gọi là hang, dụng của nó vô cùng, nên gọi là thần; nó sinh ra vạn vật cho
nên gọi nó là “mẹ nhiệm mầu” (huyền tẫn).
Trọng nữ tính tức là trọng nữ, ngược hẳn với Khổng, Mặc, với xã hội đương
thời. Tôi không chắc ông có ý trở lại chế độ mẫu hệ; nhưng một xã hội theo
quan niệm ông, một xã hội mà quyền và bổn phận của vua chúa, của gia
trưởng rất giảm thiểu, nữ được trọng hơn nam, một xã hội như vậy không
còn là xã hội phong kiến, tôn ti nữa, mà giống xã hội thời sơ khai, khi loài
người còn sống thành các bộ lạc.
Xử kỉ
Lão tử là triết gia đầu tiên, có lẽ là duy nhất rán tìm nguyên nhân sâu xa sự
sa đoạ của loài người.
Khổng, Mặc chỉ tìm nguyên nhân sự loạn lạc của xã hội đương thời thôi: tại
các nhà cầm quyền không theo đạo của tiên vương (Nghiêu, Thuấn), tại vua
không ra vua, không trọng sự giáo dục bằng lễ (Khổng) hoặc tại mọi người
không biết yêu người khác như yêu bản thân mình (Mặc) v.v…
Lão tử đi ngược lên nữa, bảo không phải vậy. Nguyên nhân chính, duy nhất
theo ông là tại loài người mỗi ngày mỗi xa đạo, không sống thuận theo đạo,
tức thuận theo tự nhiên, mất sự chất phác, có nhiều dục vọng quá, càng
thông minh lại càng nhiều dục vọng, càng xảo trá, tranh giành nhau, chém
giết nhau.