Tiền đề ông đặt ra là đạo vốn hoàn toàn, con người ban sơ do đạo tạo ra,
được đức nuôi dưỡng, cũng tự nhiên, chất phác, ít dục vọng, chân thành, nhu
thuận. Tiền đề đó đúng hay không là điều không ai biết được – và đem ra
bàn thì không bao giờ hết, không ai thuyết phục nổi ai. Có thể nó đúng một
phần. Các nhân chủng học đều nhận rằng các dân tộc sơ khai rất chất phác,
thành thật; có thể có một số ưa hoà bình, nhưng đa số cũng tàn bạo lắm. Khi
săn mồi thì chém giết nhau, ăn thịt nhau nữa. Không thể tin chắc rằng con
người sơ khai đều tốt cả.
Nhưng triết gia nào cũng có quyền đặt ra một tiền đề; hễ nó đúng một phần –
dù nhỏ – rồi suy luận một cách đúng để sau đưa ra một kết luận, một giải
pháp có ích cho nhân loại trong một thời nào đó, sửa được một vài sai lầm
nào đó, là đủ cho triết thuyết đó có giá trị rồi.
Mà Lão tử suy luận rất đúng. Con người vốn chất phác, chỉ vì các ông thánh
của Khổng, Mặc đặt ra những giá trị giả tạo (hiền và bất hiền, quí và tiện,
danh với lợi), gợi lòng ham muốn của của dân, rồi dạy cho họ khôn lanh hơn
nữa, thì làm sao không sinh ra loạn? Khi loạn rồi, họ đưa ra đức nhân để sửa
(như Khổng), sửa không được, họ dùng tới quan niệm nghĩa (như Mạnh),
thất bại nữa, họ đề cao lễ (như Tuân), hết lễ tới pháp, thuật (Hàn Phi). Hiện
nay khắp thế giới đâu đâu cũng dùng thuật và sức mạnh. Các phương tiện
bọn triết gia và chính trị gia dùng mỗi ngày một mạnh lên mà kết quả là xã
hội càng loạn, nhân loại càng sa đoạ.
Và Lão tử kết luận: chỉ có một cách là thay đổi lối sống, trở về với đạo, với
tự nhiên, tức là phải “phản phác”.
Bước đầu là phải “quả dục”, giảm thiểu dục vọng. Trong Đạo Đức kinh ta
thấy vài ba chỗ dùng danh từ vô dục, như:
chương 3: “Xử dân vô tri vô dục” (Khiến cho dân không biết, không muốn),