mộc mạc vô danh (tức đạo) mà trấn áp hiện tượng đó, khiến cho chúng
không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn
định”.
Cũng như Mặc tử, ông cho rằng con người chỉ cần thoả mãn những nhu cầu
tự nhiên tối thiểu: bụng thì no, xương cốt thì mạnh; còn những vật hiếm, chỉ
gợi lòng ham muốn, khiến cho xã hội sinh loạn, thì phải bỏ hết:
“Không trọng người hiền để cho dân không tranh [danh lợi], không quí của
hiếm để cho dân không trộm cướp, không phô bày cái gì gợi lòng ham muốn,
để cho lòng dân không loạn.
Cho nên chính trị của thánh nhân là làm cho dân lòng thì hư tĩnh, bụng thì
no, tâm chí thì yếu [không ham muốn, không tranh giành], xương cốt thì
mạnh” (chương 3).
Những cái gì làm cho vui tai, đẹp mắt, ngon miệng cũng vậy, vì:
“Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị
làm cho người ta tê lưỡi; ruổi ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê loạn;
vàng bạc châu báu làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên thánh nhân
cầu no bụng mà không cầu vui mắt, bỏ cái này [xa xỉ, đa dục] mà lựa cái kia
[chất phác, vô dục]” (chương 12).
Y như lời Mặc tử trong thiên Tiết dụng, thượng:
“[Ăn uống] đủ để no bụng, nối hơi, mạnh chân tay, sáng tai sáng mắt thì
thôi, không rán điều hoà đến cùng cực ngũ vị và mùi thơm, không tìm kiếm
những của ngon vật lạ ở xa”.
Như vậy Lão và Mặc đều chủ trương huỷ bỏ mĩ nghệ, nghệ thuật, những cái
ta gọi là sản phẩm của văn minh: Lão tử để cho con người trở về với chất
phác, không sa đoạ, tranh nhau; Mặc tử để cho dân khỏi khổ
; Lão vì lí