tưởng, Mặc vì thương dân.
Danh vọng, địa vị, tiền của lại càng nên xa lánh:
“Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa.
Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời” (Công thành thân thoái, thiên
chi đạo – ch.9).
“Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quí? Sinh mệnh với của cải cái nào quan
trọng? Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại? Cho nên ham danh
quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất mát nhiều” (ch.44).
Phải đặt thân mình sau thiên hạ, đặt thân mình ngoài vòng danh lợi thì thân
mình lại ở trước, mới còn được:
“Hậu kì thân nhi thân tiên, ngoại kì thân nhi thân tồn” (ch.7).
Ngay cái thân mình, cũng nên quên nó đi:
“Chúng ta sở dĩ sợ vạ lớn là vì ta có cái thân. Nếu ta không có thân thì còn
sợ gì tai vạ nữa?” (ch.13).
“Không có cái thân” nghĩa là quên nó đi, cứ để đời ta thuận tự nhiên, lúc nào
về với đạo, với “vô” thì về, lúc nào chết thì chết.
- Quả dục thì phải “tri túc”. Lão tử có lẽ là người đầu tiên khuyên ta tri túc.
“Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy”
(Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi – Ch.44).
“Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng tham
muốn cho được nhiều. Biết thế nào là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới
luôn luôn đủ” (Tri túc chi túc thường túc hĩ – ch.46).