giả đạo chi dụng” (Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu) [trở lại gốc];
diệu dụng của đạo là nhược, tức khiêm nhu. Chữ nhu nhược ở đây không
phải là thiếu ý chí, ai bảo sao theo vậy, mà có nghĩa là đừng cưỡng lại luật
thiên nhiên của tạo hoá; vậy nhân sinh quan của Lão chung qui là thuận theo
đạo.
Chương 37, ông bảo:
Nhu nhược thắng cương cường.
Chương 78, ông nhắc lại:
Nhược thắng cường, nhu thắng cương.
Đó là luật thiên nhiên, chứng cớ là:
“Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì
mềm dịu mà khi chết thì khô cứng. Cho nên cứng mạnh là cùng loài với chết,
mềm yếu là cùng loài với sống” (kiên cường giả, tử chi đồ; nhu nhược giả,
sinh chi đồ – ch.76).
Ông đưa ra một thí dụ nhu thắng cương:
“Trong thiên hạ, cái cực mềm [là nước] thì chế ngự được cái cực cứng [đá],
[vì nước xoi mòn được đá]; cái “không có” lại len vô được không có kẽ hở
[như không khí len vô được những chất đá, gỗ cứng mà trông bề ngoài ta
không thấy kẽ hở]” (ch.43).
Ông phàn nàn rằng lẽ đó ai cũng biết mà không ai thi hành được cả (thiên hạ
mạc bất tri, mạc năng hành – ch.78). Cho nên mới có những kẻ cường bạo
bất đắc kì tử (ch.42); cái “cường” của họ thực ra chỉ là bạo chứ không phải là
cường, chính nhu mới là cường:
Thủ nhu viết cường (ch.52).