vấn đề bị bàn cãi, nên trước hết các nhà truyền giáo đã phải
thuyết giảng rõ về điểm này.
Hơn nữa, cuốn sách còn thuyết giảng về tín ngưỡng đối với
Cristo (Giê-su) và viết: “Dù có phải chết, nhưng vẫn cần phải có sự
giác ngộ trong cả lời nói lẫn việc làm”. Ở đây họ đã nhấn mạnh đến
điều kiện nghiêm kỷ của giác ngộ dù có phải chết, có nghĩa là đã
nhấn mạnh hơn tín ngưỡng của Tịnh Thổ Chân tông trong phong
trào Ikkō Ikki để từ đó sinh ra những tín đồ có niềm tin tôn giáo
đến mức có thể chịu đựng qua cả những cuộc đàn áp nguy nan
nhất. Đối với những người nắm chính quyền thì đây là điều đã
làm trỗi dậy cảm giác về nguy cơ tiềm ẩn và hiềm khích trong họ.
Sự so sánh giữa các tôn giáo phương Đông và phương Tây
trong các cuộc tranh luận
Những cuộc tranh luận giữa giới Phật giáo và Thiên chúa giáo đã
diễn ra ngay từ thời của Xavie, nhưng không chỉ có Phật giáo mà họ
còn phê phán các tôn giáo vốn có của Nhật Bản như Nho giáo hay
Thần đạo một cách có hệ thống và lý luận về tính ưu việt của Thiên
chúa giáo. Tiêu biểu trong số đó chính là tác phẩm Diệu Trinh vấn
đáp (Myōtei mondō, viết năm 1605) của Fucan Fabian (1565-1621).
Fabian vốn là một nhà sư tu thiền ở chùa Daitoku-ji, nhưng năm 19
tuổi thì cải giáo sang đạo Thiên chúa và sau đó gia nhập Dòng Tên.
Ông vốn là người thông hiểu và coi trọng các tôn giáo, kinh điển
vốn có ở Nhật Bản, nhưng có lẽ do vấn đề về quan hệ với phụ nữ
mà vào năm 1608 ông đã phải dời Phật giáo đến với Thiên chúa
giáo. Tuy nhiên, sau đó ông đã viết tác phẩm phê phán Thiên chúa
giáo có tiêu đề là Phá đề vũ tử (Hadaiusu, viết năm 1620). Ông là
một nhà tư tưởng tôn giáo đã sống một cuộc đời đầy phong ba của
nửa cuối thời kỳ Thiên chúa giáo đàn áp mạnh mẽ.