phương châm đó, nhưng chính Tịnh Thổ Chân tông, tông phái đứng
ra tác động để thiết lập Giáo bộ tỉnh lúc đó lại phản đối, mà nhân
vật trung tâm phải kể đến là Shimaji Mokurai (Đảo Địa Mặc Lôi,
1838-1911).
Lúc đó, Shimaji đang đi thị sát ở châu Âu. Ông đã tận mắt chứng
kiến tình hình tự do tôn giáo, chính giáo phân ly của các nước châu
Âu và thấy cần thiết phải thiết lập tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở
Nhật Bản. Từ quan điểm này, Shimaji đã phê phán Giáo bộ tỉnh. Lý
luận về quan hệ giữa chính trị và tôn giáo của Shimaji là: “Chính trị
và tôn giáo vốn có nguồn gốc khác nhau, nên không thể hỗn dung.
Chính là nhân vi, là sự chế ngự con người về Hình và chỉ tồn tại
trong phạm vi một quốc gia. Còn Giáo là thần vi, chế ngự con
người về Tâm và có tính phổ biến ở muôn vạn quốc gia. Vì thế,
Chính không thể quản hạt tất cả những thứ khác, mà chỉ nên chuyên
cần làm tốt việc của mình. Giáo thì không phải như vậy. Dù giàu có
cũng không nghĩ đến mình mà phải mong làm việc có ích cho người
khác” (Theo Tam điều giáo tắc phê phán kiến bạch thư -Sanjō
Kyōshoku Hihan Kempakusho, tức Thư dâng lên phê phán về quy
tắc 3 điều). Tức là, Giáo (tôn giáo) có liên quan đến tâm linh của
con người, có tính phổ biến hơn chính trị, luôn vì lợi ích của người
khác mà không vì mình. Từđiểm này có thể thấy tôn giáo liên quan
đến vấn đề tâm linh của cá nhân con người và là thứ đứng cao hơn
chính trị. Trong địa hạt đó phải cấm không để chính trị can thiệp. Có
thể nói, đây chính là tuyên ngôn của Chủ nghĩa lý tưởng muốn nâng
tự do tín ngưỡng lên cao hơn. Cùng thời điểm đó những nhà tư tưởng
tiến bộ trong nhóm Meirokusha (Danh lục xã)
cũng chủ trương
tự do tín ngưỡng. Khái niệm Tôn giáo được dịch ra từ Religion cũng
bắt đầu được quen dùng trong bối cảnh đó.
Dưới sự lãnh đạo của Shimaji, năm Meiji thứ 8 (1875) các phái của
Tịnh Thổ Chân tông đã đồng loạt rút ra khỏi Đại giáo viện và buộc