Tuy nhiên, ở đây Shimaji đã lật ngược lại vấn đề. Thần đạo
nếu nhìn nhận với tư cách là một tôn giáo thì ở một tầm thấp và
đó không phải là thứ “mang lại lợi ích cho chúng ta trong trần thế
và cần phải tôn kính các vị thần bởi các vị thần đó sẽ cứu vớt linh
hồn chúng ta” (Theo Tam điều biện nghi). Các vị thần Nhật Bản là
“người thờ tổ tiên của mỗi chúng ta và những danh thần đức sĩ có
công với đất nước” (trích sử liệu đã dẫn), nên việc tôn kính các vị
thần không phải là lĩnh vực của tôn giáo. Từđó Shimaji nói rằng:
“Về Thần đạo thì bầy tôi chưa hiểu rõ hết, nhưng biết chắc
rằng đó không phải là tôn giáo” và hình thành nên lý luận Thần đạo
phi tôn giáo. Vì là phi tôn giáo, nên không cần phải cạnh tranh với
Phật giáo và có thể cùng tồn tại. Hơn nữa, giữa hai lĩnh vực tôn giáo
và phi tôn giáo (tức chính trị) là khác biệt, nên đôi bên bất khả xâm
phạm, không thể phê phán nhau và phải công nhận nhau. Đằng sau
lý luận xác lập tự do tôn giáo của Shimaji là việc thừa nhận Thần đạo
quốc gia với tư cách là phi tôn giáo. Tôi xin gọi quan hệ vừa phân ly,
vừa phân chia trách nhiệm và cùng tồn tại này của Thần đạo và
Phật giáo là Thần Phật bổ hoàn.
Định nghĩa Thần đạo quốc gia
Về khái niệm Thần đạo quốc gia, trong giới nghiên cứu hiện
nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nên cần phải đưa ra một định
nghĩa chặt chẽ hơn. Một cách khái quát có thể nói đây là hình thái
Thần đạo nằm ngoài khuôn khổ tự do tín ngưỡng của Hiến pháp.
Vào năm Meiji thứ 33 (1900) Cục Thần đạo được thiết lập và tách
ra khỏi Cục tôn giáo để quản lý hành chính riêng Thần đạo. Đến
đây có thể thấy việc xây dựng Thần đạo quốc gia đã hoàn thành.
Theo nghĩa hẹp thì Thần đạo quốc gia để chỉ Thần đạo thần xã
nằm dưới thể chế đó và nếu chỉ hạn định trong phạm vi này thì sẽ
không thấy hết được vai trò to lớn của Thần đạo đối với quốc gia
Nhật Bản cận đại.