Quốc gia Nhật Bản vào thời cận đại đã hệ thống hóa các vị thần
và coi đó là những thần thoại về phả hệ thần từ Amaterasu đến
Thiên hoàng được quốc gia công nhận. Theo đó, sự hệ thống hóa
này đã tạo nền tảng mang tính thần thoại cho việc bất khả xâm
phạm của Thiên hoàng và có chức năng như một hệ tư tưởng của
quốc gia do Thiên hoàng đứng đầu. Đó chính là sự tước đoạt thần
thoại về tay chính quyền và có thể nói đây chính là định nghĩa
Thần đạo quốc gia theo nghĩa rộng. Nghĩa rộng của Thần đạo
quốc gia vừa là hệ thống thần thoại và tế tự quốc gia đã nêu
trên, vừa là vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị đã bị phi tôn giáo hóa.
Thần đạo Thần xã được coi là Thần đạo quốc gia theo nghĩa rộng
cũng là một phần trong đó. Hơn nữa, cũng cần chú ý rằng, để đưa
tính phi tôn giáo nổi bật ra bên ngoài, người ta đã tạo ra mối quan hệ
mật thiết giữa tế tự và đạo đức.
Sự cưỡng chế các thần thoại về phía Thiên hoàng
Nội dung trung tâm của quan hệ nêu trên chính là Sắc chỉ giáo
dục (Kyōiku Chokugo) được công bố vào năm Meiji thứ 23 (1890)
ngay sau năm chế định Hiến pháp. Trong Sắc chỉ giáo dục có câu:
“Trẫm nghĩ sự nghiệp dựng Tôn quốc của Hoàng tổ là lớn lao và đức
dày muôn trượng. Bởi vậy thần dân phải hết mực trung hiếu,
muôn vạn đồng tâm xây dựng đời đời tươi đẹp. Đó là tinh hoa của
quốc thể mà giáo dục chính là quả của tinh hoa ấy”, nghĩa là yêu
cầu “thần dân” phải tận trung với “trẫm”. Một điều đặc biệt ở đây
là cùng với Trung, người ta đưa vào cả khái niệm Hiếu và rất coi
trọng đạo đức gia đình. Chế độ gia phụ trưởng (Kafuchō-sei) dựa
trên luân lý Nho giáo (nhưng là Nho giáo đã được biến dung theo
kiểu của Nhật Bản) thường bị coi là sản phẩm của xã hội tiền cận đại
hay chế độ phong kiến, nhưng trên thực tế sang thời Meiji chế độ
này đã được phổ biến thông qua Sắc chỉ giáo dục với tư cách là