hướng thế tục hóa ngày càng trở nên rõ rệt, phong trào đi tìm con
đường dẫn đến “cổ tầng” cố hữu của Nhật Bản thông qua các học
phái từ Quốc học đến Thần đạo phục cổ đã phát triển mạnh mẽ.
Đây chính là việc người ta muốn tìm ra một hình mẫu lý tưởng theo
cách riêng, thuần túy của Nhật Bản từ trước khi có sựảnh hưởng của
Phật giáo mà các thần thoại trong Ký Kỷ được coi là căn cứ vững
chắc. Tuy nhiên, bản thân thần thoại Ký Kỷ cũng được hình thành
vào khoảng thế kỷ VII-VIII, nghĩa là không thể không có ảnh hưởng
từ Phật giáo. Và việc “phát hiện” ra cổ tầng thuần túy, lý tưởng của
Nhật Bản khi đó nên nhìn nhận là sự hư cấu ra cổ tầng mới có lẽ
chính xác hơn.
Tuy nhiên, chính cổ tầng được “phát hiện” khi đó đã dẫn đường
cho tư tưởng chính trị từ phong trào Tôn vương nhương di đến Meiji
và từ tư tưởng Thần Phật phân ly đến thể chế Thần đạo quốc gia
với Thiên hoàng Vạn thế nhất hệ đứng đầu. Và tất cả các “tôn
giáo” thời bấy giờ đều phải quy tụ quanh Thần đạo quốc gia, một
thứ đứng ngoài khuôn khổ “tôn giáo”. Trong bối cảnh đó, các tôn
giáo như Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tân tôn giáo (Thần đạo giáo
phái) vẫn triển khai các hoạt động với tư cách là một tôn giáo như
hướng đến giải quyết các vấn đề nhân tâm và xã hội. Tuy nhiên,
cuối cùng các tôn giáo này đều không tránh khỏi việc bị cuốn vào
cuộc chiến do chính quyền quốc gia của Thiên hoàng tiến hành.
Từ sự nhìn nhận lại đó, đã có những tôn giáo mới được hình thành
sau chiến tranh, nhưng không hẳn đó là sự phê phán triệt để những
thể chế trước chiến tranh mà xu hướng đi ngược lại lịch sử để “phát
hiện” cổ tầng vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay mặc dù có thể thay
đổi dưới nhiều hình thức khác nhau. Thuyết cổ tầng của
Maruyama Masao đã phê phán sự hoành hành của khái niệm cổ
tầng này và dừng bánh xe đó lại, nhưng lại dẫm vào vết xe đổ của sự
hư cấu về tính nhất quán của cổ tầng.