vấn đề Thái tử Shōtoku (Thánh Đức, 574-622). Ghi chép trong bộ
sử Cổ sự ký kết thúc vào thời Thiên hoàng Suiko (tại vị 592-628) mà
Thái tử Shōtoku thì lại xuất hiện vào thời Thiên hoàng Suiko này và
đã tạo ra một bước ngoặt lớn của Phật giáo thời cổ đại. Tuy nhiên,
theo những nghiên cứu gần đây cho thấy, hầu hết những sự tích
về Thái tử đều được sáng tạo vào thời kỳ của Nhật Bản thư kỷ. Bởi
vậy, ở đây chúng ta sẽ thử xem xét lại vấn đề này.
Theo Nhật Bản thư kỷ thì Thái tử là con trai trưởng của Thiên
hoàng Yōmei (Dụng Minh, tại vị 585-587), tên là Hoàng tử Umayato
(Cứu Hộ), có các biệt danh khác như Toyomimito Shōtoku (Phong
Nhĩ Thính Thánh Đức), Toyotomimi-no-Nori-no-Ōkimi (Phong Nhĩ
Pháp Đại Vương) hay Kamitsumiya (Thượng Cung). Tên của Thái tử
Shōtoku không thấy có trong Nhật Bản thư kỷ, nên có thể phán đoán
đã xuất hiện vào thời kỳ sau đó. Vậy thì khi nói về Thái tử Shōtoku,
chúng ta có thể nghĩ đến điều gì? Có thể kể đến những nghiệp tích
chủ yếu của ông như với tư cách là Hoàng thái tử của Thiên hoàng
Suiko, ông đã đóng vai trò nhân vật trung tâm trong nền chính trị và
văn hóa từ cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ VII, chế định Hiến
pháp 17 điều (Jūnana Jō Kempō) cùng hệ thống quan liêu gồm 12
cấp bậc, phái cử các sứ giả sang nhà Tùy, tuyển thuật bộ Tam kinh
nghĩa sớ (Pháp Hoa nghĩa sớ, Thắng Man nghĩa sớ, Duy Ma nghĩa
sớ), kiến thiết hai trung tâm Phật giáo lớn là Shitenno-ji (Tứ Thiên
Vương-tự) và Hōryū-ji (Pháp Long-tự). Như vậy, về mặt chính trị
ông đã định hướng theo thể chế trung ương tập quyền gắn với
Chế độ luật lệnh sau này, còn về mặt văn hóa thì tạo ra một thời kỳ
phát triển văn hóa rực rỡ, đó là Văn hóa Asuka (Phi Điểu) với tín
ngưỡng sâu sắc đối với Phật giáo.
Tuy nhiên, phần nhiều những sự tích này đều có vấn đề nghi
vấn về thời điểm hình thành. Chẳng hạn, người ta cho rằng chùa
Shitenno-ji là do Thái tử Shōtoku xây dựng để tạ ơn và thưởng cho