Hình thức kết hợp thứ tư được gọi là Bản địa thùy tích. Khái niệm
Bản và Tích đã có từ thời Lục triều (280-317, ND), nhưng đặc biệt
lan rộng sang Nhật Bản dưới ảnh hưởng của những giáo lý thuộc tông
phái Thiên Thai. Tông phái Thiên Thai coi trọng Kinh Pháp Hoa và
coi đó là kinh điển chính, nhưng trong đó có chia thành 2 phần:
Tiền bán và Hậu bán. Tiền bán gọi là Tích môn và Hậu bán gọi là
Bản môn. Người ta cho rằng, khác với Phật Đà vĩnh cửu được
thuyết trong Bản môn, vị Phật Đà được viết trong sử sách với những
chi tiết như sinh ở Ấn Độ và thọ đến 80 tuổi chỉ là hiện thân (tức
là Tích, dấu vết) mà thôi. Lối tư duy này đã được áp dụng vào việc
giải thích quan hệ giữa Thần và Phật ở Nhật. Người ta cho rằng,
Phật là Bản địa, tức hình ảnh nguyên gốc, còn Thần là Thùy tích,
tức là hiện thân hình ảnh của Phật. Cũng như trường hợp thần ở Hie
(Nhật Cát) là Thùy tích của Phật Thích Ca, thần ở Ise (Y Thế) là
Thùy tích của Đại Nhật, các Thùy tích dần dần được quy định một
cách cụ thể. Điều này không chỉ được thuyết trong Thiên Thai mà
còn liên quan cả với tư tưởng Kyōryō Rinshin (Giáo lệnh luân thân)
với nội dung Phật hiện thân trên tượng Minh Vương trong Mật giáo.
Hơn nữa, ở Trung Quốc từ rất sớm đã có Thuyết Lão Tử hóa
hồ với nội dung Lão Tử sang Ấn Độ và trở thành Thích Ca để giáo
hóa dân chúng. Thuyết này đã xuất hiện ở Trung Quốc với ý đồ
chống lại Phật giáo. Ngược lại, từ phía Phật giáo cũng đưa ra một
thuyết rằng, để giáo hóa người dân Trung Quốc, Phật Đà đã cử 3 vị
Bồ tát sang và họ đã biến thành Khổng Tử, Nhan Hồi (Đệ tử chân
truyền nhất của Khổng Tử) và Lão Tử. Có thể nói, những thuyết
này đã có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tư tưởng Bản địa thùy
tích ở Nhật Bản.
Như vậy, hiện tượng Thần Phật kết hợp đã diễn ra với nhiều
hình thức khác nhau, nhưng về cơ bản dù ở hình thức nào thì Phật
giáo cũng có vai trò chủ đạo về mặt lý luận và đưa các vị thần vốn