hai bộ phận của thế giới gắn liền với Nhị nguyên luận của Thuyết
âm dương trong lý luận về Dịch truyền thống của Trung Hoa. Tư
tưởng này đã được áp dụng rộng rãi và cũng đã được sử dụng khi
người ta hệ thống lại các tư tưởng tôn giáo bản địa như Tu nghiệm
đạo, Lưỡng bộ Thần đạo dựa trên Phật giáo.
Tư tưởng đóng vai trò chủ đạo trong những tư tưởng thực tiễn của
Mật giáo là Tức thân thành Phật. Nguyên lý đó đã được diễn giải
trong Tức thân thành Phật nghĩa của Kūkai (cũng có thuyết cho
rằng đây không phải là của Kūkai). Trong trước tác này đã đưa ra
khái niệm Lục đại (Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Thức) với tư cách
là nguyên lý xuyên thấu vạn vật, coi đây là căn nguyên của Phật cũng
như căn nguyên của Bản ngã. Hơn thế nữa còn cho rằng, Bản ngã
và Phật là một. Người ta sẽ thực hiện được điều đó nhờ Mạn-đà-la và
sẽ làm cho 3 hành vi của Phật (Tam đại) là thân thể, lời nói và tấm
lòng hợp nhất với 3 hành vi của con người. Qua đó con người sẽ có
thể nhanh chóng trở thành Phật.
Tư tưởng Tức thân thành Phật không chỉ có trong Chân Ngôn tông
mà còn được cả Saichō đề cập đến từ lập trường của Thiên Thai
tông. Trong trường hợp của Saichō, ông đã dựa trên Pháp Hoa kinh
và cho rằng, con người có thể dễ dàng thành Phật nhờ vào Pháp Hoa
kinh. Theo cách nghĩ thông thường của Phật giáo, để giác ngộ đạo
Phật thì chỉ cuộc sống hiện thế là không đủ, mà con người phải luân
hồi và liên tục tu hành trong nhiều kiếp. Tức thân thành Phật với
chủ trương con người có thể thành Phật ngay trong hiện thế khác
hẳn với tư tưởng thông thường trong Phật giáo và đã tạo ra một bước
ngoặt. Tư tưởng này đã kéo sự giải thoát lại gần với con người hơn.
Như chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn ở phần sau, tư tưởng này còn dẫn
đến tư tưởng Bản giác nhìn nhận thế giới hiện thực chính là thế
giới giải thoát. Hơn nữa, ý tưởng về một nền Phật giáo tang lễ, trong
đó thực hiện việc hóa Phật cho người chết bởi nghi lễ của người