sống cũng phát triển theo hướng dân gian hóa việc thành Phật theo
tư tưởng Tức thân thành Phật.
Sau thời của Saichō và Kūkai, không chỉ Chân Ngôn tông (Ở đây là
chỉ Đông Mật với trung tâm là Tō-ji, tức Đông tự) mà cả trong Thiên
Thai tông (Gọi là Thai Mật với ý nghĩa là Mật giáo của Thiên Thai
tông) Mật giáo cũng phát triển một cách mạnh mẽ. Trong dòng chảy
đó, qua giai đoạn của Ennin (Viên Nhân), Enchin (Viên Trân) và
đến giai đoạn của Annen (An Nhiên, 841-?) thì Mật giáo đã phát
triển cực thịnh. Annen đã thống nhất tất cả các khái niệm theo
chữ “Nhất” như Nhất Phật, Nhất thời, Nhất xứ, Nhất giáo và
nâng tính tuyệt đối của Mật giáo lên đến cực điểm. Đúng vào thời
điểm đó, nền chính trị Nhiếp quan bắt đầu và đó là thời kỳ giới
quý tộc lấy những trang viên rộng lớn làm nền tảng kinh tế. Hơn
nữa, đó cũng là thời kỳ chuyển biến từ văn hóa Đường phong với
những Hán thi mà đại diện là Kūkai bằng văn hóa Quốc phong.
Kōyasan hay Hieizan cũng trầm lắng trong một thời gian và sang
giữa thế kỷ X mới phục hưng để đối ứng với những biến chuyển
của thời đại mới.
Phật giáo và Thiên hoàng nhìn từ Nhật Bản linh dị ký
Tác phẩm khắc họa lên những hình ảnh sống động của Phật giáo
lúc bấy giờ như hoạt động của Tự độ tăng, của Sa My hay của Ưu Bà
Tắc (tức những tín giả tại gia) chính là Nhật Bản linh dị ký (Nihon
Ryōiki) được sáng tác bởi nhà sư Keikai (Cảnh Giới) chùa Yakushi-ji
(Dược Sư tự) vào thời Heian. Bản thân nhà sư Keikai là người có vợ,
con và sống như một người trần tục. Theo ông, thời đại lý tưởng
chính là thời đại trị vì của Thiên hoàng Shōmu và ông cũng là người
bày tỏ quan điểm sâu sắc nhất về quan hệ giữa Phật giáo và Thiên
hoàng. Trong phần đầu của Quyển thượng có ghi câu chuyện
Chiisakobe-no-Sugaru (Tiểu Tử Bộ Thê Khinh), gia thần của Thiên
hoàng Yūryaku đi bắt sấm. Sugaru “vốn là Thần Sấm, không