dù Myōe phê phán Hōnen, nhưng lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ
ông. Dưới ảnh hưởng đó, Myōe đã thuyết về Lễ tam thời tam bảo
cúng Bồ đề tâm, Phật quang quán quan sát ánh hào quang của Phật
hay Chân ngôn Quang Minh và đã đưa ra được nhiều phương pháp
thực hành Phật giáo mới.
Nichiren (Nhật Liên, 1222-1282) xuất phát từ tông phái Thiên
Thai và đứng trên lập trường của chủ nghĩa coi Pháp Hoa kinh là tuyệt
đối. Bởi vậy, ông đã kịch liệt phản đối Hōnen cùng các đệ tử miệt
thị Pháp Hoa kinh và thuyết giảng về tịnh độ, niệm Phật. Trước tác
Lập chính an quốc luận (Ritsushō Ankoku-ron) đã đứng trên lập
trường này để phân tích nguyên nhân bất ổn của xã hội đương thời
do sự phổ biến rộng rãi trào lưu niệm Phật và yêu cầu Mạc phủ phải
nghiêm cấm phái này hoạt động. Tuy nhiên, mặt khác có thể thấy
cách thực hành Phật giáo mà Nichiren đưa ra, tức Xướng đề (Shōdai,
tụng niệm đề mục của Pháp Hoa kinh) chính là ảnh hưởng từ hoạt
động niệm Phật. Mặc dù chịu sự đàn áp nặng nề của Mạc phủ và sự
phê phán của các tông phái khác, ông vẫn viết các trước tác như Khai
Mục sao (Kaimoku-shō), Quán tâm Bản tôn sao (Kanjin Honzon-shō)
và đứng trên lập trường tôn sùng Phật Thích Ca vĩnh hằng, vĩnh cửu
trong Pháp Hoa kinh để tìm ra phương pháp thực hành Bồ đề
bằng cách phổ biến tư tưởng đó.
Làn sóng mới - Luật tông và Thiền
Như vậy, ảnh hưởng của Hōnen là vô cùng to lớn với cả những
người tán đồng và phê phán ông. Tuy nhiên, dù không có ảnh hưởng
của Hōnen thì trong giới Phật giáo thời đó cũng phát triển dưới
nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, giới luật đã trở thành một
trong những tâm điểm của phong trào đó. Cùng với trào lưu phủ nhận
giá trị của giới luật như lý luận Tạo ác vô ngại của phái Hōnen thì việc
Shinran công nhiên lấy vợ cũng nằm trong dòng chảy đó. Tuy
nhiên, mặt khác chính vì trong thời đại đó mà chủ trương cho rằng,