Như trên đã trình bày khái quát, Phật giáo thời Kamakura đã phát
triển mạnh mẽ với vai trò trung tâm là tư tưởng thực hành. Sẽ là vấn
đề nếu chúng ta nói quá nhiều về Phật giáo Kamakura, nhưng
cũng phải công nhận một sự thực rằng, vào thời kỳ này đã xuất hiện
nhiều nhà tư tưởng Phật giáo vĩ đại và đã tạo dựng được nền tảng
của các tông phái lớn mạnh sau này. Tuy nhiên, có một điều cần
chú ý là Phật giáo mà họ phát triển mới ở đây không phải là thứ được
kế thừa nguyên từ nền Phật giáo truyền thống. Xu hướng phủ
nhận giới luật thể hiện một cách rõ ràng và liên quan mật thiết với tư
tưởng Bản giác. Ngay cả như Luật tông chủ trương phục hưng giới luật
thì họ cũng tích cực ra ngoài hoạt động xã hội, khác hẳn với những
quy định trong giới luật vốn có của Phật giáo. Và phải lưu ý một
điều rằng, chính sự thoát ly khỏi Phật giáo truyền thống này
ngược lại làm cho Phật giáo được phổ biến trong dân chúng hơn và
đây đã trở thành một nguồn năng lượng, một sức mạnh bất di bất
dịch của Phật giáo Nhật Bản.
IV.2 VƯƠNG PHÁP VÀ PHẬT PHÁP
Việc lên ngôi của Thiên hoàng và vấn đề “Ngoại pháp”
Thời Kamakura được coi là thời đại mà Phật giáo tạo được thế lực
mạnh mẽ nhất, nên cũng là thời đại mà chúng ta phải bàn đến về
quan hệ giữa Phật giáo với chính quyền quốc gia và giữa Phật giáo
với tín ngưỡng thờ thần. Về quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền
quốc gia, người ta vẫn đề cập đến quan hệ giữa Vương pháp và
Phật pháp, nhưng điều mà người ta chú ý đến là sư tổ của những
tông phái Phật giáo mới trước sau vẫn giữ niềm tin tôn giáo riêng
của mình mặc cho những đàn áp của chính quyền quốc gia trong xã
hội trần tục. Những nhà sư như Hōnen hay Shinran dù có bị lưu đày,
nhưng lập trường của họ vẫn không nghiêng ngả. Cả Nichiren cũng
không hề nao núng trước những cơn uy hiếp, mà vẫn luôn đi theo
sứ mệnh của mình với tư cách là một người tu hành theo Pháp Hoa