Nếu nhìn bằng con mắt của người hiện đại thì trung thế là
thời đại có quá nhiều điểm khác biệt về chất. Ở những điểm này,
nếu chúng ta từ hiện tại soi vào thì có thể thấy đó là tha giả, tha
nhân. Tuy nhiên, mặt khác như chúng tôi đã trình bày ở phần “Mở
đầu”, nếu có những yếu tố được coi là cổ tầng đã được hình
thành trong dòng chảy lịch sử Nhật Bản hiện nay thì có thể khẳng
định, trung thế chính là thời mà cổ tầng định hình và gắn chặt vào
trong văn hóa Nhật Bản. Trung thế chính là tha giả, tha nhân của
bản thân những người Nhật chúng ta mà đã lắng đọng một cách vô
thức. Hiểu một cách thấu đáo chúng là việc không thể thiếu khi
chúng ta muốn nhìn nhận lại Nhật Bản của ngày hôm nay.
Phật giáo và thần thoại thời trung thế
Một trong những yếu tố mà trước đây người ta coi là hoang
đường, vô ích, đó là thần thoại thời trung thế. Thần đạo mang tính
chất hỗn hợp giữa Thần và Phật thời trung thế đã làm sản sinh ra
những thần thoại riêng, khác hẳn với thần thoại thời cổ đại. Chẳng
hạn, theo Đại Hòa Cát Thành Bảo Sơn ký thì thiên địa là do nước
biến đổi mà thành, nên vị Thần vương từ bi thường trú tên là Isai
(Vi tế, tức Visnu) sẽ được sinh ra trên mặt nước. Từ bông hoa sen nở
trên rốn của Isai sẽ sinh ra Phạn Thiên Vương và từ 8 người con được
sinh ra từ trái tim của Phạn Thiên Vương đó lại sinh ra thiên địa và
dân chúng.
Câu chuyện này được viết dựa trên Tạp thí dụ kinh (Zōhiykyō)
của Phật giáo, nhưng khác hẳn thần thoại thời cổ đại và lại sử dụng
thần thoại Ấn Độ cổ đại. Người đọc có thể thấy điều này bất ngờ
và thiếu logic, nhưng qua đây sẽ hiểu được rằng, suy nghĩ của con
người thời trung thế không bị câu nệ bởi các thần thoại thời cổ đại,
mà có thể phát triển một cách tự do. Họ có sử dụng kinh điển Phật
giáo, nhưng ở đó lại có sự tham gia tích cực của các vị thần Ấn Độ
như Visnu hay Phạn Thiên. Đây là sự kết nối giữa thần thoại Ấn