Độ và thần thoại Nhật Bản hơn là sự kết hợp giữa Thần đạo và
Phật giáo. Thông qua đó, người ta có thể xới lên những yếu tố bản
địa ở dưới đáy của Phật giáo. Hơn nữa, Thần vương từ bi thường trú
được coi là thần Toyouke = Amenominakanushi và người ta có xu
hướng lập thần Toyouke = Amenominakanushi của Ngoại cung lên
thành thần cơ bản sinh thành nên vũ trụ hơn là thần Amaterasu.
Kết hợp phân tích giữa điều này với sự phát triển của Thần đạo Ise
sau này chúng ta sẽ thấy được nhiều điều thú vị.
Hơn nữa, trong tuyển tập Sa Thạch tập (Shasekishū) cuối thời
Kamakura có một thần thoại giải thích tại sao ở Ise người ta lại cấm
kỵ Phật giáo. Theo đó, khi Ma Vương, vị thần trời thứ 6 (Vị thần
trời thứ 6 của Dục giới được coi là Ma vương, tức kẻ ngăn chặn sự phát
triển của Phật giáo), sợ Phật giáo lan rộng khắp Nhật Bản, nên
xuống trần để ngăn chặn điều đó thì thần Amaterasu đã nghĩ kế
dụ thần về trời bằng cách nói: “Ta không mang danh Tam Bảo,
cũng không gần gũi Phật pháp đâu. Thế nên nhà ngươi cứ yên tâm
mà về trời đi!”. Bởi vậy, để giữ lời hứa với thần Amaterasu, người ta
đã phải thực hiện việc cấm kỵ Phật giáo ở Ise. Tuy nhiên, ngược lại
điều đó lại trở thành hành động bảo vệ sự hưng thịnh của Phật giáo ở
Nhật Bản.
Thực ra đây là câu chuyện thần thoại viết một cách khéo léo về
sự cách ly giữa Thần và Phật ở Ise, nhưng không phải để đào thải
Phật giáo mà mở ra khả năng cho Thần Phật kết hợp để bảo vệ Phật
giáo. Những yêu ma ngăn cản sự phát triển của Phật giáo và làm loạn
trật tự xã hội như thần trời thứ 6 Ma Vương hay Tengu (Thiên Cú) đã
làm mưa làm gió trong thời trung thế. Và thần thoại trung thế đã
đóng vai trò rất lớn trong việc làm thế nào để đưa những yêu ma đó
vào trong trật tự xã hội. Với ý nghĩa như vậy, chúng ta không thể nói
thần thoại trung thế là hoang đường và khó hiểu.
Những tư tưởng dựa trên ngụy thư