CHƯƠNG 6: Cuộc tìm kiếm nguyên lý
VI.1 LÝ LUẬN THẦN ĐẠO VÀ CUỘC TÌM KIẾM
NGUỒN GỐC
Sự cách ly Thần Phật của Thần đạo Ise
Như chúng tôi đã trình bày ở chương trước, tín ngưỡng ở Thần
cung Ise vừa quan hệ sâu sắc với Phật giáo vừa phát triển theo một
hướng riêng. Khác với Thần đạo Sơn Vương có quan hệ mật thiết,
không thể chia cắt với Phật giáo, Thần đạo Ise có tính chất phân
tách giữa Thần và Phật, nên chúng ta có thể thấy những động
hướng khác. Đặc biệt, sự phát triển chỉ có riêng ở Thần đạo Ise chính
là dòng họ Thần quan Watarai (Độ Hội) ở Ngoại cung. Ở Ise vốn có
khuynh hướng coi trọng Nội cung thờ Thần Hoàng tổ, nhưng sang
thời trung thế khi người ta thực hiện việc truyền bá rộng rãi phái
Thần đạo này thì do không bị phụ thuộc vào những hủ tục nên có thể
hoạt động tự do và tăng cường thế lực hơn. Trong bối cảnh đó, vào
năm Einin (Vĩnh Ninh) thứ 4 (1296) đã xảy ra cuộc tranh luận Hoàng
tự luận tranh (Kōji Ronsō). Nguyên nhân là do trước đây chỉ Nội cung
mới được xưng là Kōtai Jingū (Hoàng Đại Thần cung), nhưng trong
các văn bản Ngoại cung cũng ghi là Toyoyuke Kōtai Jingū (Phong Thụ
Hoàng Đại Thần cung), nên phía Nội cung phản đối. Và trong số
những trước tác do phía Ngoại cung đưa ra để làm bằng chứng có lợi
cho mình sau này đã được tuyển tập trong bộ Thần đạo ngũ bộ thư
(Shintō Gōbusho) và được coi là kinh điển cơ bản của Thần đạo Ise.
Thần đạo ngũ bộ thư bao gồm Amaterashimasu Ise Nisho Kōtai
Jingū Gochinza Shidaiki (hay còn gọi tắt là Gochinza Shidaiki hoặc
Shidaiki), Ise Nisho Kōtaijin Gochinza denki (hay còn gọi tắt là
Gochinza Denki hay Denki), Toyuke Kōtaijin Gonchinza Hongi (hay