thế giới phân chia thành 2 cực làm mục tiêu. Mà như vậy thì Thần
đạo mang tính cội nguồn hơn Phật giáo, Từ cội nguồn đó sẽ sinh ra
phổ hệ các vị thần và Thiên hoàng được đặt ở vị trí ở phần tiếp
theo của phổ hệ đó.
Trong bối cảnh phát triển của Thần đạo với Chủ nghĩa dân tộc
đó, chúng ta có thể thấy thuyết Căn diệp hoa thực thuyết (Konyō
kajitsu-setsu), nghĩa là “Nhật Bản ở Thần quốc là cội rễ, nhà Đường
là phần lá và cành cây, còn nước Phạn thì là quả. Hoa rụng sẽ về
cội, còn quả lại là thứ bắt đầu từ nguồn cội”, ý nói các vị thần
Nhật Bản mới là nguồn cội, còn các tôn giáo ở Ấn Độ, Trung Quốc
chỉ là hoa và quả phát triển từ đó mà thôi. Từ đây Jien đã phát triển
lên một thuyết phản lại tư tưởng Bản địa thùy tích và coi Phật là thùy
tích của Thần. Ông viết: “Khi Thần chỉ tay vào Phật ở Tây Thiên,
tức thì Phật biến thành thùy tích”. Tuy nhiên, Jien cũng công nhận
rằng, nếu chỉ có rễ thì cây không thể xanh tốt hoàn toàn được, mà
phải cần đến những lời răn dạy của Phật giáo, Nho giáo. Nghĩa là
ông không phủ định hoàn toàn Phật giáo và các tôn giáo khác.
Sự thâu tóm giới Thần đạo của Thần đạo Duy nhất
Thần đạo Duy nhất của Yoshida Kanemoto (1435-1511) đã được
xác lập do thừa hưởng sự hoàn thiện hệ thống lý luận của Thần đạo
như đã nêu trên. Kanemoto là một người có tham vọng thâu tóm toàn
bộ giới Thần đạo vào thời kỳ trước và sau Loạn Ōnin (Ứng Nhân)
nên đã tạo ra rất nhiều ngụy tác, dùng nhiều sách lược, tin đồn
để gây thế lực. Vào năm Bunmei thứ 16 (1484) người ta đã xây dựng
nơi tế tự gọi là Daigengū (Đại Nguyên cung) ở núi Yoshida-yama
(Cát Điền Sơn) của Kyōto. Ở đây người ta xây dựng một kiến trúc
đặc biệt hình bát giác gọi là Daigengū ở giữa, sau đó bố trí tất cả các
đền thờ của nước Nhật ở xung quanh mà tiêu biểu là Đền thờ Ise
để biểu trưng cho quyền uy thâu tóm giới Thần đạo.