Trước nay, Thẩm Phóng chưa từng nghe Tam Nương kể chuyện
ngày trước, hắn tôn trọng Tam Nương nên cũng không hỏi. Không
ngờ hôm nay Tam Nương hình như muốn kể cho mình nghe rồi.
Chỉ thấy Tam Nương Tử nghĩ một chút rồi lại nói: “Mười năm rồi,
cuối cùng thiếp cũng rút cây Tử kinh mộc thoa ấy ra.”
Ánh mắt nàng mê man, ngập ngừng: “Chàng biết không? Tên
của thiếp là Kinh Tử. Năm xưa cái tên này trong võ lâm Giang Chiết
cũng xem như có chút tiếng tăm. Hồi bé, thiếp cũng giống tiểu cô
nương hát rong kia, chịu không ít khổ cực. Thuở ấy, đang trong cơn
loạn li, thiếp theo một gánh tạp kỹ biểu diễn đi trên dây. Nhưng
thiếp may mắn hơn nó, thiếp gặp được một vị lão nhân, ông ấy
biết võ công. Thật ra thiếp chỉ theo ông ấy trọn ba tháng, ông ấy
cho thiếp một cây chủy thủ, còn truyền cho thiếp một bộ võ công,
một thiên khẩu quyết, dạy xong ông ấy nói: “Tư chất con không
tồi, đáng tiếc ta không thể ở lâu.” Sau đó hỏi thiếp: “Về sau gặp
phải kẻ ức hiếp đám tỷ muội các con, con làm thế nào?” Thiếp nói:
“Giết!” Ông ấy cười ha ha, nói: “Được, ta không dạy nhầm người.”,
rồi đi mất.”
“Bọn thiếp làm nghề này, người ta gọi là nữ kỹ, có múa võ, đi
trên dây, xiếc gậy, ca hát, thêu hoa. Tỷ muội bọn muội có Trương
Chân Nô đánh đàn, Thẩm cô cô hầu cờ, Lâm Tứ Cửu Nương bắn nỏ,
Sử Tuệ Anh hát tạp kịch, Hắc ma ma diễn rối bóng cũng xem như
mỗi người một tuyệt kỹ, nức tiếng thiên hạ. Thiếp giao hỏa với họ,
kẻ khác đều nói bọn thiếp là đám tiện nữ, khinh rẻ bọn thiếp. Có
điều làm cái nghề này, bọn thiếp cũng đã nghĩ thoáng nhiều rồi,
không bận tâm kẻ khác khinh hay không khinh. Nhưng dù có vào
chốn phong trần cũng không thể để kẻ khác ức hiếp. Đám người
giàu thường hay nói: “Vị tha”, nhưng việc Kinh Tam Nương thiếp
muốn làm là báo thù!”