Thiếp chăng thừng thành từng đường vây quanh đình, bọn người
bên trong vẫn cứ cười, cho rằng thiếp đang tự bủa lưới chính mình
mà không biết bản thân chẳng thoát ra được nữa rồi. Thiếp mới
bắt đầu múa chủy thủ, trong lòng nhớ tới người tỷ muội đã mất,
tâm tình phẫn hận, vị sư phụ dạy thiếp năm xưa từng nói bộ võ công
đó cảnh giới chiêu số cao nhất chính là “u buồn nhịp nhàng, cảm
kích mênh mang”, lúc trước thiếp không hiểu nhưng ngày đó tựa
như thấu được chút gì rồi. Thiếp nghe mấy bọn quan kia vỗ tay
cười nói ồn ào, nhìn tới nhỏ nước dãi, cực kỳ đáng ghét. Thiếp múa
đến thế cuối cùng “Bài như giang hải”, thân thể theo chủy thủ lao
đến, một đao cắm vào cột đình, ngập tới tận cán, mấy kẻ kia nhìn
mà hoảng hốt, mặt biến sắc, thiếp đứng giữa đình hỏi: “Hôm đó
rốt cuộc là kẻ nào gian sát Như Ngọc?” Bọn chúng còn định tỏ quan
uy, thiếp đã rút chủy thủ chém chết một đứa tiểu nhân cáo mượn
oai hùm rồi cười hỏi: “Là kẻ nào?” Bọn chúng giờ mới thấy hoảng,
định chạy nhưng lại bị thừng cản lối, muốn kêu, thiếp cười bảo:
“Các ngươi dặn dò rồi đấy thôi, đám dưới kia bất kể nghe thấy gì
cũng không dám lên đâu, kể cả hô “cứu mạng” cũng vô dụng. Các
ngươi nói coi, có phải đứa nào cũng có phần không?” Bọn chúng
thấy thiếp vẫn còn thân thiện, đứa nào đứa nấy liền quỳ xuống
dập đầu, nhận tội. Thiếp hỏi: “Hôm đó cô ấy có hô cứu mạng
không?” Bọn chúng mặt vã đầy mồ hôi mà gật đầu, thiếp rơi lệ
rồi cất giọng hô to “Cứu mạng”, bọn chúng đều cho rằng thiếp
điên rồi, thiếp kêu một tiếng giết một mạng, rồi lại thổi rơi máu
dính trên chủy thủ, bọn chúng đúng là đám nhát gan, đến kêu cũng
không dám, đều sợ rúm người, chỉ ảo tưởng rằng không lên tiếng
rúm ró một chỗ thì cuối cùng thiếp có thể bỏ qua chúng. Nhìn bộ
dạng thảm hại của chúng, thiếp thật vui vẻ, cho tới khi thiếp giết
tới thằng cuối cùng, bên dưới chẳng có ai dám lên, thiếp vẫn một
mực cao giọng gào “cứu mạng”.”