- Đá bố trí theo hình mai rùa lục giác, vết rạn mai rùa kéo dài đến tận
mép mà không có cột chắn lại. Đây là ụ đá rời! – Lỗ Thịnh Nghĩa khẽ
giảng giải – Khảm diện(*) này tuy không có nút(**), nhưng nếu như ụ đá
lở ra, sạt xuống sông, dưới dòng nước kia không biết chừng còn thứ quái
quỷ gì khác đang đợi sẵn.
(*) Khảm, hay khảm tử, là một loại thuật ngữ mà các môn phái trong
giang hồ dùng để gọi các bố cục Kỳ môn Độn giáp, cơ quan cạm bẫy.
Khảm diện tức là hình thức bên ngoài của khảm, cũng là toàn bộ phạm vi
tồn tại của một khảm.
(**) Nguyên văn là khấu hay khấu tử, nghĩa là nút, nút thắt, tức là một
hoặc một nhóm bố trí đặt trong khảm, dùng để ngăn chặn hoặc giết chết
những ai lọt vào trong khảm.
- Vậy lên bằng cách nào đây? – Lỗ Ân nhìn bề mặt khá hẹp của ụ đá, băn
khoăn hỏi. Kỳ thực, với một ụ đá hẹp như thế này, ông hoàn toàn có thể
tung mình nhảy qua. Nhưng khi tiếp đất, cần phải lập tức đứng thật vững
trên bậc tam cấp bằng đá ngay phía trước cổng, không được lao người theo
quán tính mà va vào cánh cổng bí hiểm kia. Ông cảm thấy mình khó mà
làm được như vậy. Hơn nữa bậc đá kia liệu có ẩn chứa điều gì bất thường,
cũng rất khó đoán.
Quả đúng là “chưa bước qua ngưỡng cửa, đã tiến thoái lưỡng nan”!
- Liễu Nhi, con ra đây thử xem! – Lỗ Thịnh Nghĩa không để tâm đến thái
độ của Lỗ Ân, ông đã bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình.
- Dạ, thưa cha, con tới đây!
Đáp lại tiếng gọi của Lỗ Thịnh Nghĩa là một giọng Ngô lảnh lót ngọt êm
như nước. Từ trong mui thuyền phủ vải đen, nhẹ nhàng bước ra một cô gái
trẻ. Đó chính là chủ nhân của đôi mắt tuyệt đẹp trong khoang thuyền, là cô
gái nãy giờ vẫn vén rèm quan sát mỗi khi thuyền sắp qua cầu. Cô gái có
thân hình mảnh mai thanh thoát, mình mặc áo ngắn và quần bông mỏng hơi
rộng bằng vải lam in hoa trắng li ti, dưới chân mang đôi giày mềm màu lam