- Dạ thưa đó là cảnh tượng trưng con sông Prut phân chia tổ quốc Sô
Viết với thế giới trưởng giả; bên bờ của trưởng giả là cảnh nô lệ nghèo đói,
trong lúc bên bờ Sô Viết toàn là hoa cỏ và thịnh vượng.
- Vậy thì những cây cối mảnh khảnh ở bờ Sô Viết có ý nghĩa gì?
- Những cây đó giúp cho khung cảnh Sô Viết thêm thơ mộng bởi vì đối
với bọn nghệ sĩ tị nạn chúng tôi, bờ sông phía Sô Viết là bờ của tự do.
Viên họa sĩ, các nghệ sĩ trên sân khấu và trong căn phòng cũng như
Novirok đều sợ hãi nhìn Boris. Họ tưởng Boris là một công chức cao cấp
của Sô Viết, số phận của hý viện nầy phụ thuộc vào hắn. Những thánh thần,
Đức Mẹ lại bình thản nhìn Boris, vì họ biết số phận của họ đến đây đã chấm
dứt. Các bức tượng sẽ được phủ lên một lớp sơn mới, một lớp vôi mới, với
những câu cách ngôn mới, của đảng cộng sản vì thế mà họ chẳng sợ sệt
điều gì cả.
Viên họa sĩ nói tiếp:
- Trong vở kịch nầy, nghệ sĩ của gánh hát Eddy Thall sẽ kể lại vì sao
chúng tôi đã trốn sự khủng bố của phát xít để tị nạn sang quốc gia tự do Sô
Viết.
- Thế thì lúc đến bên bờ Sô Viết, anh không để ý thấy những cơ xưởng
chế tạo nào cả ư? Tại sao anh chỉ vẽ sông Prut băng ngang qua đồng cỏ và
đất đai hoang phế?
- Dạ thưa tại tôi muốn diễn tả khung cảnh nên thơ của Sô Viết. Nhưng
Boris lại hỏi:
- Nước sông chảy ngang qua cây liễu và đồng cỏ hoang có nên thơ hơn
lúc chính con nước đó làm quay những bánh xe của một nhà máy điện chiếu
sáng bờ sông? Có gì trong một cây liễu và hai con bò mà lại nên thơ hơn
một nhà máy cung cấp ánh sáng cho hàng chục làng mạc, cho hàng ngàn