- Tinka có thể là một điệp viên Sô Viết, nhưng cũng có thể chỉ là trường
hợp lẩm cẩm của một người đàn bà già nua và say sưa. Tôi có biết Tinka
Neva, nên riêng tôi không tin bà ấy là một nhân viên Sô Viết. Chúng ta cứ
cố tìm ra ánh sáng xem sao. Chúng tôi sẽ lập biên bản vụ nầy.
Boris bước lên phòng, mọi vật còn y nguyên, chỉ trừ những căn phòng ở
phía Bắc đã bị phá hủy. Nhưng trong nhà hắn, bức tường không hư hại, bộ
máy phát tin vẫn còn tại chỗ, tiền bạc giấy tờ cũng không hề mất mát.
Trong chốc lát, vừa cởi áo, Boris vừa nghĩ đến người bạn đồng học, Pierre
Pillat, nay đã trở thành biện lý tòa án quân đội, nghĩ đến người đàn bà mang
tên Tinka Neva cùng những lời bàn tán sự việc vừa xảy ra. Trước mắt hắn,
xuất hiện một người đàn bà nhân công với bộ mặt đầy nét nhăn, nhợt nhạt,
với đầu tóc bạc phơ mang chiếc khăn tay cột tận cổ, và Boris thầm nghĩ:
- Đúng là bộ mặt muôn đời của một công nhân. Ngay cả nếu bà ta chỉ
cầm đèn lên lầu vì vô tình hay vì say sưa, hành động của bà vẫn có một giá
trị từ đó mình có thể tạo ra một huyền thoại.
Boris nghĩ đến các hoạt động bí mật của mình, đến sự bất động của quần
chúng, cùng sự hững hờ của giai cấp công nhân. Hắn cho là quần chúng Âu
Châu cần có những anh hùng mới thức tỉnh được, mới dấn thân được, cũng
như thuyền cần đến cánh buồm vậy.
Cho nên hắn viết ngay một bản phúc trình bằng một giọng văn rắn rỏi.
Hắn nói đến những người vô sản đang bị giai cấp trưởng giả phát xít ở Âu
Châu đàn áp, nói đến Hồng quân đang chờ dịp để giải phóng công nhân. «
Tinka Neva, một nữ công nhân già nua thất nghiệp đã lâu đang ở tại
Bucarest, đường Apolodor, số nhà 165, vì quá đau khổ nên ban đêm đã cầm
đèn lên mái nhà làm hiệu cho máy bay Sô Viết đến giải phóng tổ quốc. Bà
ta đã chết ngay trên nóc nhà cao, nhưng bà đã chứng tỏ sức mạnh phi
thường của giai cấp thợ thuyền đã tranh đấu chống lại xã hội trưởng giả và
phát xít. Bà đã nêu gương sáng cho công nhân toàn thế giới. Tinka Neva là
một nữ anh hùng, là vị thánh tử đạo, là vị đại diện cho giai cấp thợ thuyền.»