làm cho bà khổ tâm, bởi lẽ không làm những công việc thường nhật đó, bà
cảm thấy đời sống của bà không được quân bình nữa.
Eddy nói tiếp:
- Vú cầm lấy gói giấy tờ nầy đi. Vú có cả một cuốn sổ ngân hàng nữa
đó. Vú có thể rút tiền ra tiêu lúc nào cần. Tôi đã trả cho vú một năm lương
chứ không phải chỉ 3 tháng như luật lệ bắt buộc đâu. Vú có đủ giấy tờ trong
gói nầy như trích lục khai sinh, bản sao rửa tội. Vâng, đủ cả đấy.
Eddy đưa gói giấy cho Tinka. Bà chưa bào giờ giữ giấy tờ đó trong
người cả, lúc nào cũng nhét trong hộc bàn bởi có lúc nào bà cần đến chúng
đâu. Cho nên, Eddy đưa cho bà, bà bỗng nức nở khóc:
- Cô muốn tôi làm gì với những thứ nầy?
- Thì mỗi công dân phải có giấy tờ chứ.
Tinka nghĩ thật thô thiển. Cả khu phố nầy ai mà không biết đến bà, từ
người hàng xóm đến bà bán bánh mì, bán thịt, ai cũng biết bà cả thì bà cần
gì đến giấy tờ. Ừ, bà không phải là một người cần đến giấy tờ.
Nhìn gói giấy tờ trên tay, Tinka nức nở khóc. Nước mắt chảy xuống tấm
căn cước, ướt luôn cả tấm bản sao rửa tội và trích lục khai sinh.
Đối với Tinka, cầm những mảnh giấy đó còn nhục nhã hơn là bị đuổi
khỏi nhà. Bà cứ nghĩ: “thật là một điều nhục nhã khi phải trở thành một
người đàn bà có giấy tờ. Chỉ có những người đàn bà xấu xa mới cần có giấy
tờ mà thôi”.
Và bà vứt gói giấy xuống bàn. Từ giờ cho đến lúc chết đi, bà không thể
nào chịu nổi một sự nhục nhã như thế. Bà không phạm tội gì cả để bị bắt
buộc cầm giấy tờ lúc bà đã 60 tuổi. Bà cứ nghĩ: “Thực là một sự nhục nhã
nếu phải trở thành một người đàn bà có giấy tờ”.