- Bà hẳn thấy đấy, - ngài Vê-li-ran-đơ bắt đầu nói, - tôi muốn nhờ bà một
việc, một việc rất to lớn. Tôi nghĩ rằng bà sẽ không từ chối, bà Pi-khơ-lát ạ.
Bà rất đôn hậu, hẳn bà sẽ không từ chối vào cái thời kỳ nặng nề như bây
giờ, mà chúng ta, một dân tộc nhỏ bé cần phải gắn bó với nhau. Có đúng
thế không hả bà Pi-khơ-lát?
Tôi nhận thấy mẹ tôi có vẻ khó chịu, không ưa gì khách. Tôi cũng không
thích thú gì cuộc thăm hỏi này.
- Bà hẳn thấy đấy, - ngài Vê-li-ran-đơ nói tiếp, - tôi rất thích nghề trồng
vườn. Chính vì hồi này có những chuyện khủng khiếp như vậy, nên tôi lại
càng đặc biệt thích thú nghề trồng vườn. Việc trồng cây có cái gì đó thật
tuyệt diệu. Ta cứ chăm sóc cây cối đi, rồi ta sẽ quên hết tất cả. Ta sẽ quên
cả chiến tranh, cả chính trị. Tự ta, tưởng như cũng biến thành một phần nhỏ
bé của thiên nhiên vĩ đại. Vôn-te-rơ
đã từng nói: “Mỗi người cần phải
trồng cho mình một vườn cây”. Mà cái chính: nghề trồng vườn là một việc
làm trong sạch. - Vâng, vâng. Quả thật tay có lấm đất, nhưng tâm hồn trong
sạch.
- Dù sao thì tôi vẫn chưa hiểu tôi cần phải giúp gì ngài, - mẹ tôi nói.
- Ồ, vâng! Hẳn bà biết đấy, tôi nghe nói là bà có cả một tủ sách về nghề
trồng vườn và…
- Ông nghe ai nói vậy? - mẹ tôi hỏi xen vào.
- Ồ… ở cái thành phố nhỏ bé của chúng ta thì ai mà chả biết chuyện đó!
Miễn là người đó có nghiên cứu chút ít về nghề trồng vườn. Mà đối với
chúng tôi thì có thể nói thế này: bà là người có tiếng. Người trồng vườn
không những tái tạo mà còn sáng tạo. Chính là sáng tạo và cải tạo thiên
nhiên. Nghiên cứu thiên nhiên, thâm nhập vào những bí mật của thiên
nhiên.
Lão nói dông dài mãi, cuối cùng vẫn phải đi vào vấn đề:
- Tôi sẽ rất cảm ơn bà, nếu được bà cho mượn tạm một thời gian mấy
cuốn sách về nghề trồng vườn. - lão mỉm cười vẻ có lỗi, - có điều không
thật đặc biệt khoa học lắm. Bắt đầu, tôi sẽ đọc cái gì đó gần như là mở đầu.