Nhóm Lão Làng dành riêng cho họ phía góc trái cửa ra vào. Họ gồm có
mười hai người. Hai tháng trước, nhóm của họ lên đến con số bốn mươi
bốn. Mùa Đông đã lấy bớt của họ số người kia. Toán còn lại thừa hiểu là họ
đang ở vào giai đoạn cuối cùng, khẩu phần càng ngày càng bị sụt giảm, đôi
khi chẳng có gì để ăn trong một hoặc hai ngày, thế là xác chết lại nằm
chồng lên nhau ngay trước lao xá. Trong nhóm còn lại có một người đã điên
loạn và cứ tường mình là chó chăn cừu. Hai vành tai của hắn đều mất cả vì
có lần hắn đã bị bọn SS đem ra làm đối tượng để luyện tập cho đám quân
khuyển. Tù nhân trẻ nhất trong nhóm là một đứa bé trai tên Karel, người
Tiệp Khắc. Cha mẹ nó đã chết và biến thành phân bón cho một rẫy khoai
trong làng Westage, bởi vì tro than của lò thiêu người luôn luôn được cho
vào bao và đem bán đi như phân hóa học. Loại phân này rất giàu chất lân
tinh và calcium. Thằng bé Karel mang dấu hiệu đỏ của tù chánh trị dầu chỉ
mới có 11 tuổi.
Người cao niên nhất trong đám Lão Làng đã bảy mươi hai tuổi. Ông ta là
hạng người Do Thái luôn luôn chiến đấu để giữ vẹn bộ râu vì đó là một
phần trong tôn giáo của ông. Bọn SS quên lưu tâm điều này và người tù già
nua cứ để cho râu dài thêm ra. Lúc còn ở trại lao công, ông thường bị đánh
đập vì bộ râu. Tại Tiểu trại, ông không cần che giấu. Ở đây bọn SS không
lưu tâm may về nội quy và rất ít khi kiểm soát, bọn chúng rất sợ chí rận và
các chứng bệnh khác như kiết lỵ, thương hàn và lao phổi. Người tù Ba Lan
tên Julius Silber gọi ông lão là Ahasver vì ông đã sống sót được sau khi đã
trải qua gần một chục trại tập trung ở Hòa Lan, Ba Lan, Áo và Đức quốc.
Silber đã chết vì bệnh thương hàn và cái chết của hắn đã giúp cho cây ngọc
trâm trong khu vườn của viên Chỉ huy trưởng Neubauer trổ đầy hoa. Viên sĩ
quan SS này được quyền lấy không số tro của lò thiêu người. Tuy vậy, cái
tên Ahasver mà hắn đã đặt cho ông lão vẫn còn lưu lại. Khuôn mặt của
người tù già đã hóp sát nhưng râu thì cứ dài ra biến thành khu vực mầu mỡ
cho các thế hệ chí rận.