"Đây là địa ngục, có phải không?" Có một lần Joe nói như vậy.
Martin gật đầu, nhưng bất giác gã cảm thấy hết sức bực bội với lời
nhận định quá rõ không cần thiết. Trong khi làm việc họ không nói chuyện.
Chuyện trò làm cho họ lỡ tay, như lần này nó đã làm cho Martin hụt mất
một đường là, và sau đó để bắt kịp gã phải làm thêm hai động tác thừa.
Sáng thứ sáu, máy giặt chạy. Một tuần lễ hai lần phải giặt các đồ vải
của khách sạn - nào là khăn rải giường, áo gối, áo chăn, nào là khăn bàn,
khăn ăn. Làm xong, lại phải vục đầu vào việc "hồ những bộ cầu kỳ." Công
việc này chậm chạp, tỉ mỉ, tinh vi, Martin làm được cũng không phải là dễ.
Mà thực ra gã cũng không dám làm. Làm hỏng thì thật là tai hại.
"Cậu trông đây," Joe nói, vừa giơ lên chiếc nịt vú mỏng tang, vò lại có
thể để gọn lỏn trong nắm tay mà không ai trông thấy. "Làm rách cái này mà
chơi, cứ gọi là hai mươi đô la khấu vào lương đấy."
Vì vậy, Martin không làm rách, gã phải nhẹ tay, không dám căng bắp
thịt lên mà vò, tuy thần kinh gã càng ngày càng căng thẳng hơn bao giờ hết;
gã nghe và đồng tình với những lời chửi rủa của Joe trong khi anh chàng
làm việc khổ sở với những bộ đồ đẹp đẽ mà các bà các cô mặc, nhưng
không bao giờ phải mó tay vào giặt. "Những bộ đồ cầu kỳ: là cơn ác mộng
của Martin, chúng cũng là cơn ác mộng của Joe nữa. Chính những bộ đồ
cầu kỳ này đã cướp đi mất những giây phút mà họ phải gian khổ mới giành
được. Họ phải quần quật với chúng suốt ngày. Bảy giờ tối, họ tạm ngừng để
đưa các đồ vải của khách sạn vào máy ép. Đến mười giờ trong khi khách
khứa đã đi ngủ cả thì hai anh chàng thợ giặt này vẫn còn đổ mồ hôi trên
"những bộ đồ cầu kỳ" cho đến tận nửa đêm, cho đến một giờ, hai giờ. Đến
hai giờ rưỡi sáng họ mới nghỉ.
Sáng thứ bảy, vẫn "bộ đồ cầu kỳ," và những thứ linh tinh, ba giờ chiều
công việc của cả tuần mới gọi là xong.