"Chúng tôi chưa có những nhận định đầy đủ về giá trị của bài thơ "Phù
du," có lẽ không bao giờ chúng tôi có thể làm được việc đó. Nhưng chúng
tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ và ngạc nhiên trước những từ và cách sắp xếp
của nó, chúng tôi tự hỏi không hiểu ông Brissenden đã làm thế nào mà viết
được những từ đó, làm thế nào mà có thể ghép chúng lại với nhau một cách
chặt chẽ như vậy." Tiếp theo là đến bài thơ.
"Briss ơi, anh chết như thế là hay lắm anh ạ." Martin lẩm bẩm và để tờ
báo lọt giữa hai đầu gối rơi xuống sàn.
Sự tầm thường, sự rẻ tiền của sự việc làm gã buồn nôn, nhưng Martin
nhận thấy một cách thờ ơ không chút cảm xúc rằng sự buồn nôn ấy cũng
không lấy gì làm ghê gớm lắm. Gã mong mình có thể nổi giận, nhưng gã
không còn đủ nghị lực để mà nổi giận nữa. Gã đã quá tê dại mất rồi. Máu
của gã đã quá đông lại, không bốc lên được theo với sự bực bội dâng tràn
lên như nước thủy triều. Xét cho cùng thì có hề gì cơ chứ? Nó cũng như tất
cả những cái khác mà Brissenden đã lên án trong xã hội tư bản. "Tội nghiệp
cho Briss!" Martin tự nhủ. "Anh ấy sẽ không bao giờ tha thứ cho mình."
Cố gắng đứng dậy, gã với lấy cái hộp trước kia vẫn dùng để đựng giấy
đánh máy. Lục lọi một lúc, gã lôi ra mười một bài thơ bạn đã viết. Gã xé
ngang xé dọc những bài thơ đó rồi vứt vào sọt rác. Gã làm việc đó uể oải,
khi đã xé xong, gã ngồi trên thành giường, đưa mắt nhìn vào khoảng không
về phía trước.
Gã ngồi như thế bao lâu, gã cũng không biết nữa, mãi đến khi, qua cặp
mắt không nhìn thấy gì của gã, gã bỗng thấy một đường chân trời dài trắng
muốt. Kỳ lạ. Nhưng khi ngắm nhìn đường chân trời ngày một rõ ra, gã thấy,
đó là một giải đá ngầm san hô bốc hơi lên trong những đợt sóng bạc đầu
của Thái bình dương.
Rồi, gã thấy nhấp nhô trên sóng một chiếc thuyền con, một chiếc
thuyền có móc chèo. Ở đằng mũi, gã trông thấy một chàng trai trẻ, mặt đen