"Tôi xin nhận, tôi xin nhận!"
Khi Martin lên xe điện, gã thấy người chán nản, mệt mỏi. Gã nhìn tấm
biển cửa hiệu, miệng lẩm bẩm:
"Đồ lợn! Đồ lợn! Đồ lợn!"
Khi tạp chí "Mackintosh" in "Người xem tướng tay" do Berthier trình
bày và Wenn vẽ hai bức tranh minh họa thì Herman Von Schmidt quên
bẵng ngay rằng đã có lần hắn gọi những vần thơ ấy là tục tĩu. Hắn tuyên bố
rằng vợ hắn đã gây ra thi hứng cho bài thơ đó, hắn tìm cách làm cho những
lời ấy đến tai một ký giả, và hắn để cho một anh nhà báo đến phỏng vấn, đi
theo có một anh chàng nhiếp ảnh và một họa sĩ. Kết quả là một trang phụ
trương chủ nhật đầy những ảnh và những bức vẽ lý tưởng hoá Marian, với
rất nhiều những chi tiết thuộc về đời tư của Martin Eden và gia đình gã, và
toàn bộ bài thơ "Người xem tướng tay" bằng chữ lớn được tạp chí
"Mackintosh" đặc biệt cho phép in lại. Điều đó gây một sự xao động cho bà
con lân bang hàng xóm, các bà nội trợ hãnh diện được quen với em gái một
nhà văn vĩ đại, còn những người chưa quen thì vội vã đến làm quen.
Herman Von Schmidt thì cứ cười hô hố trong cái cửa hàng chữa xe đạp nhỏ
bé của hắn và quyết định sắm một cái máy tiện mới. "Tốt hơn là quảng
cáo," hắn nói với Marian, "mà lại chẳng tốn xu nào."
"Chúng ta nên mời anh ấy lại ăn cơm," cô Marian gợi ý.
Martin đến ăn, gã cố gắng làm vừa lòng lão chủ hàng thịt bán buôn phì
nộn và mụ vợ còn phì nộn hơn. Họ là những nhân vật quan trọng chắc chắn
là sẽ giúp ích được cho một anh chàng trẻ tuổi đang lên như Herman Von
Schmidt, kéo được họ đến nhà hắn ta cũng là một cái mồi lớn không kém
kéo được ông anh rể vĩ đại. Ở bàn ăn có một người khác cũng cắn phải cái
mồi câu ấy, là viên tổng thanh tra các đại lý của hãng xe đạp Asa trên bờ
biển Thái bình dương. Von Schmidt cũng muốn chiều chuộng, cũng muốn
lấy lòng lão ta bởi vì nhờ lão mà hắn có thể được một chân đại lý xe đạp ở