Chả chó cũng như thịt luộc, ăn cho thật hợp giọng không nên chấm nước
mắm, mà chấm với muối chanh. Ai thích cay, ăn vài miếng lại cầm cái
cuống xanh của một trái ớt đỏ, cắn một chút, một chút thôi, rồi vừa ăn vừa
suy nghĩ thì mình dù lãnh đạm với cuộc đời đến bực nào cũng phải thương
hại cho những ai không biết thưởng thức mùi thịt chó!
Tài thế, sao mà cứ cái thịt ấy làm món gì ăn cũng cứ ngon ơ? Có thể anh
không thích tái chó, đuểnh đoảng với món nem chạo, thấy món cari chó
cũng ngon nhưng không thú vì nó không được thuần túy Việt Nam; nhưng
đến cái món dựa mận thì nhất định cả trăm người ăn thịt chó đều phải công
nhận đó là một món ăn... bất hủ!
Chẳng biết ông tổ nào nhà mình, trong một phút xuất thần, lại nghĩ ra
một món kỳ tuyệt đến như thế được?
Tôi dám nói quyết với các anh rằng có nhiều lúc ngồi thưởng thức món
đó, tôi đã từng ví với bản nhạc “Le Danube Bleu” của Johan Strauss(1), nó
dìu dặt, khoan thai, cuồn cuộn một cách êm dịu, có đôi khi lại như nhảy
nhót lên trong ánh sáng.
Ấy đấy, cái món dựa mận vào trong miệng nó cũng từa tựa như thế đấy.
Thoạt mới dùng, ta thấy nó dìu dịu, hiền hiền, nhưng điểm mấy lá húng cho
vào rồi đưa đi mấy lá bún trắng tinh, chấm với cái thứ nước quánh đặc một
mầu đào mận, ta thấy nhạc điệu khác hẳn đi, khác nhưng từ từ, chậm chậm,
theo thứ tự từng gam một, chớ không lỡ điệu, không đột ngột.
Khẩu cái ta như nhảy múa tưng bừng, có lắm lúc tưởng chừng như có
cái gì sắp “hỏng kiểu”, làm cho ta hơi sợ; nhưng tài tình là chính lúc ta sợ
như thế thì sự ngang trở uyển chuyển vượt qua một cách thần điệu và tạo
nên một nét nhạc mới thần tình đến lạ lùng.
Song đừng tưởng rằng muốn hưởng một “nhạc điệu” như thế vào trong
lòng mình là một công việc dễ dàng đâu.